Ảnh minh họa. |
Muôn kiểu chủ động
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại St. Petersburg (Nga) vào tháng 9 vừa qua đã trở thành một sự kiện để công chúng có thể quan sát các nhà lãnh đạo gặp nhau trong lúc vấn đề Syria đang là tâm điểm. Quan sát ngôn ngữ cơ thể của các nhà lãnh đạo, ngay từ cách bắt tay, người ta cũng có thể thấy được phong cách, ý đồ, thậm chí cả tâm tư của họ.
Theo tờ Guardian, cách bắt tay giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh David Cameron có phần thân mật. Đặc biệt, ông Cameron đã thể hiện thói quen độc đáo, với chủ ý dùng bàn tay trái (nhìn ông có vẻ như là người nói), còn ông Putin lại đóng vai trò của một người nghe, khiến ông Cameron có phần như chủ động hơn.
Với kiểu bắt tay giữa Tống thống Nga và Tổng thống Mỹ, nhìn bề ngoài niềm nở nhưng lại có phần dè dặt hơn bình thường. Ông Obama dường như có chung thói quen với ông Cameron là luôn nói và "khoa chân múa tay" trong lúc bắt tay. Đặc biệt, ông Obama thường vỗ nhẹ vào tay và vai người đối diện tạo ra phong thái của người có trách nhiệm. Tuy vậy, có vẻ như ông đã "kìm" được thói quen này trước vị đồng cấp người Nga.
Phân tích kỹ về cách bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo này, người ta có thể thấy, ông Obama hướng tay về phía ông Putin nhưng rút lại trước khi tiếp xúc. Có lẽ, trong tiềm thức ông Obama muốn vỗ nhẹ vào vai ông Putin nhưng kịp nhận ra khoảng cách trong mối quan hệ hoặc cảm thấy rằng, trong hoàn cảnh này không nên thể hiện mình là người nhận trách nhiệm. Vì vậy, ngay sau khi bắt tay, vị nguyên thủ Mỹ đã lập tức đi lên cầu thang vào trong tòa nhà. Ông cũng biết rằng, cả thế giới đang chăm chú theo dõi nên cần thể hiện điều gì đó chăng?
Không thể hợp tác
Dù đã được dự kiến và lên kế hoạch, nhưng các quan chức Mỹ và Iran đã không thể thiết kế được một "cú bắt tay" giữa nguyên thủ hai nước bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9 vừa qua. Việc Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran đã không gặp nhau như Mỹ ngỏ ý cho thấy mối nghi ngờ giữa hai bên vẫn sâu sắc. Trước đó, giới phân tích đã kỳ vọng hai vị nguyên thủ này sẽ bắt tay nhau. Hành động thân mật giữa ông Obama và ông Rouhani có thể sẽ mang lại thông điệp ý nghĩa với cộng đồng quốc tế tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi đó. Tuy nhiên, diễn biến này đã không xảy ra giống như mong đợi.
Bình luận một cách hài hước về sự kiện này, tờ New York Daily News nói rằng, ông Hassan Rouhani từ chối bắt tay, có thể bởi ngại việc gặp "vận đen" như một số người đã từng bắt tay với ông Obama. Thực tế, 2 năm sau khi ông Obama bắt tay với lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tại Hội nghị G8 ở Italy năm 2009, ông đã bị phe chống đối sát hại. Tháng 9/2010, ông Obama bắt tay với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và sau đó ông Mubarak bị lật đổ.
Làm thay đổi lịch sử
Trong lịch sử ngoại giao, cần nhớ đến những cái bắt tay đã mang lại những thay đổi lớn lao. Chẳng hạn như cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill và nhà lãnh đạo Liên xô Joseph Stalin tại Hội nghị Potsdam, Đức vào ngày 23/7/1945. Hành động này diễn ra sau một loạt các cuộc thảo luận về châu Âu thời hậu chiến, khi Đức quốc xã chính thức đầu hàng ngày 8/5/1945. Mục đích của hội nghị Potsdam bao gồm thiết lập trật tự thế giới mới thời hậu chiến cùng những vấn đề về hiệp ước hòa bình và cách thức đối đầu với hậu quả của chiến tranh.
Còn phải kể đến buổi tiếp đón nhà lãnh đạo hàng đầu Liên Xô, Nikita Khrushchev của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào ngày 3/6/1961. Có thể nói, cái bắt tay giữa hai ông là dấu hiệu tốt đẹp khởi đầu vòng đàm phán lịch sử giữa hai cường quốc thế giới về giải trừ quân bị và vũ khí hạt nhân và khép lại những căng thẳng Xô - Mỹ trước đó.
Tổng thống thứ 40 của Mỹ Ronald Reagan cũng từng có cái bắt tay đầu tiên với nhà lãnh đạo Liên xô Mikhail Gorbachev tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Geneva vào ngày 19/11/1985. Theo tờ Washington Post thì cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo đã mở ra thời kỳ mới cho hai siêu cường, báo hiệu một sự ấm lên trong mối quan hệ giữa hai nước thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Minh Tiến