📞

Bầu cử Colombia: Tả - Hữu tranh hùng

09:57 | 31/05/2018
Ngày 27/5 vừa qua là một ngày lịch sử với người dân Colombia. Hơn 36 triệu cử tri đã bỏ phiếu nhằm tìm ra nhà lãnh đạo kế nhiệm để bảo vệ nền hòa bình mong manh sau nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Juan Manel Santos. 

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 2016 giữa chính phủ Tổng thống Santos với nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng (FARC), chấm dứt cuộc nội chiến đã giết chết hơn 260.000 người và hàng triệu người bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xã hội Colombia đang bị chia rẽ sâu sắc. Không ít người lo ngại một khi lên nắm quyền, cánh hữu sẽ xóa bỏ nhiều điều khoản của thỏa thuận hòa bình. Ngược lại, phe cánh tả không muốn mô hình xã hội bị thay đổi, dẫn đến một cuộc khủng hoảng.

Theo kết quả bầu cử sơ bộ, ứng viên 41 tuổi Ivan Duque giành 39% số phiếu bầu, theo sát nút là đại diện phe cánh tả Gustavo Petro với 25%. Không một ứng viên nào dành trên 50% số phiếu bầu, vì vậy, một cuộc bỏ phiếu vòng hai đã được ấn định vào ngày 17/6 tới đây.

Ứng cử viên cánh tả Gustavo Petro (trái) và ứng viên cánh hữu Ivan Duque (Nguồn: AP)

Ivan Duque, một trong hai ứng viên nặng ký cho ngôi vị Tổng thống, là người có quan điểm cứng rắn và lập trường không khoan nhượng với các nhóm vũ trang. Trong chiến dịch tranh cử của mình, cam kết thay đổi các điều khoản và giam giữ các cựu thủ lĩnh FARC của chính trị gia 41 tuổi này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng thỏa thuận hoà bình sẽ “chết yểu”.

Trong khi đó, nhà kinh tế học thuộc liên minh cánh tả, ông Gustavo Petro thuyết phục cử tri rằng sẽ bảo vệ bản thỏa thuận, giảm sự phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ và khoáng sản, từng bước đẩy lùi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Tuy nhiên, trong lịch sử Colombia, lực lượng cánh tả chưa bao giờ tiến gần tới chiến thắng, hay tạo được ảnh hưởng ở Quốc hội trước lực lượng cánh hữu truyền thống. Bởi vậy, phá vỡ tiền lệ, chiến thắng trong “trận thư hùng” chính trị này sẽ là một thách thức lớn với nhà kinh tế học 58 tuổi này.

Ngoài ra, sự tham gia lần đầu của FARC trong cuộc bầu cử, với tư cách là một chính đảng được công nhận, đã trở thành tâm điểm chú ý. Dù cựu thủ lĩnh FARC Rodrio Londono đã sớm rút lui khỏi đường đua vì lý do sức khoẻ, song đây vẫn là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực của chính phủ để đưa những cựu phiến quân tham gia vào chính trị truyền thống, hoà nhập vào cuộc sống dân sự.

Cuối cùng, cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là diễn ra suôn sẻ và yên bình nhất sau nhiều thập kỷ, khi không còn lo ngại về các vụ phá hoại của các nhóm vũ trang. Nó cũng ghi nhận số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao hơn nhiều so với bầu cử lần trước.

Có thể nói, dù là phe cực hữu hay cánh tả giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này, thì vấn đề quan trọng hàng đầu của Colombia trong những năm tới vẫn là giữ vững thỏa thuận hoà bình đã ký kết với FARC, tìm kiếm thỏa thuận tương tự với nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), duy trì ổn định chính trị, phát triển kinh tế và đưa Colombia bước vào kỷ nguyên mới.