📞

Bầu cử Italy: Liên minh trung tả thừa nhận thất bại, khẳng định cánh hữu 'không phải là đa số trên toàn quốc'

Việt Bảo 08:10 | 26/09/2022
Sáng sớm 26/9 (giờ Việt Nam), đảng đứng đầu liên minh trung tả tại Italy, đảng Dân chủ (PD), đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua.
Bà Giorgia Meloni, lãnh đảo đảng Fdl dẫn đầu liên minh cánh hữu, bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hồi cuối tuần.

Phát biểu với báo giới về kết quả bầu cử, nghị sĩ cấp cao của PD Debora Serracchiani thừa nhận: “Cánh hữu đã có đa số trong nghị viện, nhưng sẽ không phải là đa số trên toàn đất nước”. Theo đó, liên minh trung tả sẽ là lực lượng đối lập lớn nhất trong nghị viện nhiệm kỳ tới.

Theo kết quả sơ bộ, liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, có nhiều khả năng giành chiến thắng, với 43% phiếu ủng hộ và đang trên đường chiếm đa số rõ rệt trong nghị viện.

Theo truyền hình RAI, cơ quan phát thanh và truyền hình nhà nước Italy, liên minh cánh hữu có thể giành được từ 227 đến 257 ghế trong Hạ viện gồm 400 ghế và 111 đến 131 ghế trong Thượng viện gồm 200 ghế.

Trước đó, RAI công bố kết quả thăm dò sau bỏ phiếu cho hay, liên minh cánh hữu dự kiến giành được 41%-45% số phiếu bầu, Liên minh trung tả có thể sẽ có được khoảng 25,5%-29,5% và M5S giành được 13,5%-17,5%, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu cho liên minh trung dung là 6,5%-8,5%.

Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò ý kiến sau bỏ phiếu do cơ quan khảo sát Quorum/YouTrend công bố cho thấy, liên minh cánh hữu giành được 42,6% số phiếu bầu, tiếp theo là liên minh trung tả do đảng Dân chủ lãnh đạo, với 27,8%-28,3%, M5S giành được 16,1%-16,4%, liên minh trung dung là 7%-7,4% và các đảng khác giành khoảng 6,1%.

Về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, số liệu sơ bộ cho thấy, chỉ có 64,67% cử tri Italy đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử này, một con số thấp đáng kể tại một quốc gia có mức độ tham gia chính trị cao trong lịch sử. Cách đây 4 năm, tỷ lệ này là 74%.

Cuộc bầu cử sớm được tổ chức hơn 2 tháng sau khi chính phủ Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức. Đây là cuộc tổng tuyển cử khá đặc biệt tại Italy, với nhiều “lần đầu tiên” - như được tổ chức vào tháng 9, khác với thông lệ tổ chức vào mùa Xuân trong hơn 100 năm qua.

Đây cũng là lần đầu tiên công dân Italy trong độ tuổi từ 18-25 được chính thức tham gia bầu các đại diện của mình ở cả Thượng viện, ngoài việc được đi bầu Hạ viện.

Ngoài ra, lần đầu tiên số nghị sỹ được bầu tại cả Hạ viện và Thượng viện giảm xuống lần lượt 400 và 200 người, thay vì số lượng tương ứng 630 và 315 trước đây, khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

(theo The Guardian)