Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ trong một bữa tiệc ở Nhà Trắng tháng 9/2015. |
Ngày 25/11, trong điện chúc mừng ông Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ Trung Quốc-Mỹ không chỉ phục vụ những lợi ích cơ bản của người dân hai nước, mà còn đáp ứng kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế.
Ông Tập Cận Bình hy vọng hai nước sẽ giữ vững lập trường không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, tập trung vào hợp tác, giải quyết những bất đồng, đẩy mạnh sự phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ và cùng phối hợp với các quốc gia khác cũng như cộng cồng quốc tế nhằm thúc đẩy thế giới hòa bình và phát triển.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng đã gửi điện chúc mừng tới bà Kamala Harris, liên danh tranh cử với ông Biden cho vị trí Phó Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu trước Nội các trong ngày 25/11, Tổng thống Iran Rouhani nói: "Iran và Mỹ đều có thể quyết định và tuyên bố rằng, hai nước sẽ trở lại bối cảnh diễn ra trước ngày 20/1/2017... Nếu có một ý chí như vậy giữa các nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ, tôi nghĩ rằng sẽ rất dễ dàng để giải quyết vô số vấn đề".
Iran và Mỹ không có quan hệ ngoại giao trực tiếp, tuy nhiên với việc Tehran và Washington đạt được thỏa thuận về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 (thời điểm ông Biden là Phó Tổng thống) liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran đã giúp giảm căng thẳng song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump đơn phương rút ra khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa" chống lại Iran với vô số lệnh trừng phạt khiến hai nước đã 2 lần đi đến bờ vực chiến tranh kể từ giữa năm 2019.
Bên cạnh đó, Tổng thống Iran khẳng định, chính sách của Iran dựa trên việc "tôn trọng các cam kết để đổi lấy sự tôn trọng các cam kết... và tôn trọng để đổi lấy sự tôn trọng", đồng thời lưu ý về một cơ hội để "thay đổi hoàn toàn chiều hướng" của các sự kiện diễn ra trong suốt 4 năm qua.
Hiện các hãng truyền thông lớn Mỹ đều tuyên bố ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Ngày 23/11, trong bối cảnh đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các đảng viên đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump công nhận kết quả bầu cử và tiến hành chuyển giao quyền lực, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm tuyên bố đã cho phép người đứng đầu Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden.
Giám đốc GSA Emily Murphy sau đó tuyên bố nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden có thể bắt đầu các hoạt động theo một đạo luật năm 1963.
Tuy vậy, hiện tại, đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn theo đuổi các hành động pháp lý tại một số bang quan trọng với hy vọng đảo ngược kết quả bầu cử với lý do "có sự gian lận" phiếu bầu.
| Tin thế giới 25/11: Họp báo bất ngờ và 'sự lạ' của ông Trump; Iran mất niềm tin; Vì sao ông Putin chưa tiêm vaccine Covid-19? TGVN. Bầu cử Mỹ 2020; quan hệ Trung Quốc với Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, vấn đề Đài Loan, quan hệ Iran với phương Tây, ... |
| Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) và tác động đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ TGVN. Quyết định phê duyệt quá trình chuyển giao quyền lực cho đội ngũ ông Joe Biden của Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Mỹ ... |
| Hậu bầu cử Mỹ 2020: Ông Biden quyết khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ; Nhận đề cử những vị trí trọng yếu, các trợ thủ đắc lực nói gì? TGVN. Ngày 24/11, ông Joe Biden - người được truyền thông đưa tin giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 ... |