📞

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Phiên tranh luận 'hấp dẫn', Biển Đông lại 'dậy sóng'

Vinh Hà 15:43 | 23/10/2020
TGVN. Đáng chú ý là vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành mối quan tâm trong tranh luận cuối cùng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden trước thềm bầu cử Mỹ ngày 3/11.
Đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden tại phiên tranh luận cuối cùng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. (Nguồn: FT)

Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ vừa kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai và cũng là cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Trả lời phỏng vấn của TG&VN, TS. Lại Thái Bình - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đánh giá, đây là cuộc tranh luận cuối cùng và quan trọng nhất trước khi diễn ra bầu cử chính thức vào ngày 3/11, tập trung vào những vấn đề thiết yếu với cử tri Mỹ (chống Covid-19, phát triển, y tế, nhập cư) và một số vấn đề đối ngoại quan trọng như quan hệ với Trung Quốc, Nga...

Hai ứng cử viên tập trung công kích những điểm yếu của nhau một cách quyết liệt ngay từ đầu, tuy nhiên trong khi ông Trump tiếp tục đề cao chủ nghĩa đơn phương và khẳng định vai trò không thể thiếu của bản thân với nước Mỹ thì ông Biden chú trọng liên kết cùng chia sẻ trách nhiệm và khéo léo đề cao sự đoàn kết và hợp tác trong nội bộ Mỹ.

Về cơ bản, cả 2 ứng cử viên đều tập trung nhấn các luận điểm chính sách đối nội của mình một cách cô đọng; chú ý hơn việc diễn đạt để làm nổi bật thông điệp làm thế nào đạt lợi ích cho nước Mỹ và người dân.

Đáng chú ý là vấn đề Biển Đôngtiếp tục trở thành mối quan tâm trong tranh luận và 2 ứng cử viên tiếp tục khẳng định tính cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù đối ngoại không phải là tâm điểm trong tranh luận, gần đây một số thăm dò dư luận cho thấy nhìn chung ứng cử viên đảng Dân chủ có thể xử lý quan hệ đối ngoại hiệu quả hơn đương kim Tổng thống. Theo TS. Lại Thái Bình, đây cũng là 1 cơ sở để có thể cho rằng Mỹ tiếp tục thúc đẩy có hiệu quả chính sách châu Á trong thời gian tới dù ai làm Tổng thống.

Ngay sau phiên tranh luận, Đại sứ, TS. Hoàng Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký ASEAN, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao nhận xét: Nhà báo Kristen Welker đã làm khá tốt vai trò điều phối của mình trong buổi tranh luận.

Mặc dù "nằm ngoài chương trình", nhưng tất cả các vấn đề khác cử tri Mỹ quan tâm như các thông tin trong laptop của con trai ông Biden, kinh tế, chính sách đối ngoại, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Mỹ... đều được đề cập thỏa đáng.

Các ứng cử viên phát biểu mỗi người 2 phút đầu không bị ngắt quãng, và sau đó họ có đủ thời gian để tranh luận với nhau. Quan trọng là bà Kristen đã để các ứng cử viên phát biểu phản hồi, trao đi đổi lại với nhau làm cho buổi tranh luận mang ý nghĩa thực sự của từ này.

Có lẽ nhờ có một số điều chỉnh kịp thời, nên buổi tranh luận sáng nay là một trong những buổi tranh luận hấp dẫn nhất trong lịch sử các cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ từ năm 1960 đến nay.

Cùng quan điểm với TS. Hoàng Anh Tuấn, Giáo sư Chintamani Mahapatra - Hiệu trưởng trường Đại học JNU (Ấn Độ), chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, đặc biệt đề cao vai trò của nhà báo Kristen Welker, người điều hành buổi tranh luận. Ông cho rằng không ai chiến thắng trong cuộc tranh luận lần này cả và “kết quả chung cuộc vẫn rất khó dự đoán”.