Đối với người dân Ukraine, cuộc tổng tuyển cử này là sự kiện quan trọng, có thể hiện thực hoá mong mỏi duy trì hoà bình, phát triển kinh tế và ổn định đời sống người dân sau 5 năm bất ổn. Đối với quốc tế, đây là sự kiện chi phối quan hệ tứ giác Nga – Ukraine - Mỹ - châu Âu vốn phức tạp và ảnh hưởng lớn đến tình hình khu vực.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Theo quy định của Ukraine, cuộc bầu cử Tổng thống nước này phải diễn ra vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba trong năm nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống đương nhiệm. Do đó, Quốc hội Ukraine đã chọn ngày 31/3 là ngày bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo và kết quả cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ được công bố vào ngày 10/4.
Với số lượng ứng cử viên kỷ lục là 39 người – nhiều gần gấp đôi số cử tri tranh cử năm 2004 và 2014, cuộc chạy đua giành chiếc “ghế nóng” hứa hẹn sẽ quyết liệt và khó dự đoán hơn bao giờ hết. Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến, chưa có ứng cử viên nào giành được tỷ lệ ủng hộ hơn 30%. Trong khi đó, quy định bầu cử của Ukraine yêu cầu ứng cử viên phải nhận được hơn 50% số phiếu nếu muốn chiến thắng trong vòng một. Bởi vậy, với số lượng ứng cử viên đông đảo lên đến 39 người, giới phân tích dự đoán nhiều khả năng Kiev sẽ phải tiến hành vòng bầu cử thứ hai nếu không có ứng cử viên nào giành quá bán số phiếu tại vòng một.
Được đánh giá là ba ứng cử viên “có sức nặng” nhất trong số các ứng cử viên, đương kim Tổng thống Petro Poroshenko, chính trị gia thuộc phe đối lập - cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko và nam diễn viên Volodymyr Zelensky là những người có triển vọng đắc cử vào ngày 31/3 tới. Tuy nhiên, không khó để nhận ra các ứng cử viên tranh cử vị trí Tổng thống đều sử dụng “con bài” đưa đất nước gia nhập các thể chế châu Âu và chống lại sức ảnh hưởng của Nga để lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri.
Đánh giá về triển vọng của đương kim Tổng thống Ukraine, giới quan sát cho rằng ông Poroshenko nắm trong tay nhiều cơ hội vì nhận được sự ủng hộ ở trong nước và quốc tế. Tại Ukraine, ông chủ cung điện Mariyinsky giành được sự hậu thuẫn từ các cơ quan đặc biệt và thể chế tài chính của quốc gia Đông Âu này. Quan trọng hơn, vị Tổng thống này được Mỹ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ. Đây được coi là yếu tố đòn bẩy khi Kiev ngày càng xa Moscow, thân Brussels và gần gũi Washington.
Bên cạnh đó, hai nhân vật sáng giá còn lại là nam diễn viên Volodymyr Zelensky và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, mặc dù không có những phản ứng chống Nga mạnh mẽ như ông Poroshenko, song đều có quan điểm ủng hộ EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tránh lệ thuộc vào Nga. Những chính trị gia này còn nương vào làn sóng dân tuý để thu hút sự ủng hộ của cử tri, cam kết tăng lương, giảm giá nhiên liệu và giúp tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định ứng cử viên nào xứng đáng cho vị trí lãnh đạo Ukraine. Một vị Tổng thống có thể thiết lập trật tự chính trường, duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ gìn ổn định xã hội, củng cố vị thế quốc gia vừa là mong mỏi của người dân, song cũng là một nhiệm vụ khó khăn đối với tân Tổng thống của Ukraine.
(Bài viết được đăng tải trên Báo Thế giới và Việt Nam, số 13, phát hành thứ Năm, 28/3/2019).