📞

Bảy điểm nhấn trong Tuyên bố chung Nhật Bản-Ấn Độ

Minh Vương 20:16 | 24/03/2022
Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ S. D. Pradhan bình luận về Tuyên bố chung Nhật Bản-Ấn Độ nhân chuyến thăm của ông Kishida Fumio tới New Delhi ngày 19/3.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi ngày 19/3.

Trong khi thế giới tập trung vào xung đột Nga-Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 19/3 đã tham dự một cuộc thượng đỉnh quan trọng, với mục tiêu hướng tới một trật tự thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Hội nghị không chỉ thảo luận về xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, mà còn đề cập chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan-Pakistan, Triều Tiên, giải trừ vũ khí, thách thức ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Kết thúc hội nghị, các bên đã ra Tuyên bố chung với 7 điểm đáng chú ý.

Giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế

Thứ nhất, Tuyên bố chung khẳng định cam kết của hai bên “hợp tác cùng hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, dựa trên một trật tự luật lệ tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, nhấn mạnh sự cần thiết của việc tất cả các quốc gia phải tìm cách giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng”.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, không bị ép buộc. Nhật Bản ủng hộ Sáng kiến các đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ và sẽ tham gia với tư cách đối tác chính về trụ cột kết nối của IPOI.

Các nhà lãnh đạo cũng đề cập Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), vốn đề cao nguyên tắc pháp quyền, rộng mở, tự do, minh bạch và bao trùm.

Biển Đông và Biển Hoa Đông

Thứ hai, Tuyên bố chung khẳng định ưu tiên duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hai bên bày tỏ sự quan tâm chung đến an toàn và an ninh của lĩnh vực hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đồng thời, hai Thủ tướng bày tỏ “quyết tâm tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, kể cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải để giải quyết những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế”.

Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất và hiệu quả ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, mà không phương hại đến quyền và lợi ích của tất cả các bên, kể cả nước không tham gia đàm phán. Điều này rất quan trọng khi Trung Quốc đang hành xử ngày một quyết đoán và được cho là đã quân sự hóa hoàn toàn ba đảo ở Biển Đông.

Nhật Bản và Ấn Độ nhấn mạnh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), vốn đề cao nguyên tắc pháp quyền, rộng mở, tự do, minh bạch và bao trùm.

Củng cố liên kết kinh tế

Thứ ba, hai bên quyết tâm củng cố nền kinh tế hai nước, “được hỗ trợ bởi các dòng đầu tư và thương mại song phương mạnh mẽ thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng, linh hoạt, minh bạch, rộng mở, an toàn và có thể dự đoán được, nhằm mang lại an ninh kinh tế và sự thịnh vượng cho nhân dân hai nước”.

Trong bối cảnh Ấn Độ đang có nhiều thay đổi để cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư Nhật Bản, hai nước hy vọng sẽ triển khai thành công các khoản đầu tư lên tới 42 tỷ USD Nhật Bản dành cho Ấn Độ 5 năm tới để xây dựng các dự án cùng quan tâm.

Đồng thời, hai bên nhấn mạnh cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác kỹ thuật số. Nhật Bản muốn thu hút thêm chuyên gia công nghệ thông tin Ấn Độ để phát triển lĩnh vực này.

Tăng cường hợp tác quốc phòng

Thứ tư, Tuyên bố chung nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc phòng hai nước. Hai bên hoan nghênh thực hiện Thỏa thuận liên quan cung cấp vật tư và dịch vụ đối ứng giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và Quân đội Ấn Độ.

Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục tổ chức tập trận song phương và đa phương, bao gồm hai cuộc tập trận Dharma Guardian và Malabar. Ấn Độ cũng hoan nghênh Nhật Bản lần đầu tham gia tập trận MILAN. Mới đây, Lực lượng phòng không Nhật Bản và Không quân Ấn Độ đã lên kế hoạch tập trận. Cả hai nước sẽ xác định thêm nhiều lĩnh vực về quốc phòng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác.

Chống khủng bố

Thứ năm, Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động chống khủng bố. Hai nước cho rằng cần đảm bảo lãnh thổ Afghanistan không được sử dụng làm nơi trú ẩn, đào tạo, lập kế hoạch hoặc tài trợ các hoạt động khủng bố. Nhật Bản và Ấn Độ đã tái khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết 2593 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSCR 2593 được thông qua năm 2021).

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tất cả các nước hợp tác loại bỏ cơ sở hạ tầng và nơi trú ẩn an toàn của khủng bố, ngăn chặn mạng lưới liên kết, kênh tài trợ và nỗ lực di chuyển qua biên giới của chúng. Sự hiện diện của một số lực lượng khủng bố trên lãnh thổ Pakistan là quan tâm hàng đầu với an ninh Ấn Độ.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc Đường kiểm soát thực tế (LOC) với Pakistan. (Nguồn: Hindustan Times)

Triều Tiên và Ukraine

Thứ sáu, nhấn mạnh nhu cầu giải trừ vũ khí và những thách thức phát sinh từ Triều Tiên, Thủ tướng Kishida Fumio và người đồng cấp Narendra Modi cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, đồng thời đánh giá tác động sâu rộng, nhất là với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo cũng tiếp tục kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức, lưu ý không có lựa chọn nào khác ngoài đối thoại, ngoại giao để giải quyết xung đột.

Kiềm chế xung đột

Cuối cùng, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều mong muốn các bên sử dụng các phương thức để kiềm chế xung đột thay vì sử dụng vũ lực, ưu tiên sử dụng đối thoại giải quyết tranh chấp.

Đặc biệt, ông S. D. Pradhan nhận định Mỹ nên từ bỏ nỗ lực buộc thành viên nhóm Bộ tứ (Quad) phải đi theo chính sách của chính quyền Washington.

Bởi lẽ, điều này có thể biến Bộ tứ thành liên minh chứ không phải là một nhóm các nước cùng chí hướng và khiến mục đích lớn hơn là thiết lập hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở thành giấc mơ viển vông.

Một nỗ lực như vậy sẽ khiến các quốc gia nhỏ hơn không thoải mái khi ủng hộ IPOI của Ấn Độ hoặc hỗ trợ FOIP, bởi họ không muốn chọn phe trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

(theo Times of India)