Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. |
Chủ động sáng tạo
Phái đoàn chúng tôi là Cơ quan đại diện Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ), một trung tâm lớn của ngoại giao đa phương và trung tâm năng động nhất của thế giới về quản trị toàn cầu. Từ địa bàn đa phương quan trọng này, Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia vận dụng và phát triển luật pháp quốc tế, thúc đẩy lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Thứ nhất, chúng tôi chủ động tham gia, đề cao chủ trương và thành tựu của Việt Nam về quyền con người, kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò của LHQ, các tổ chức quốc tế chuyên ngành trên các lĩnh vực tại Geneva. Qua đó, chúng tôi đã góp phần thúc đẩy và bảo vệ chính sách, thành tựu của Việt Nam về quyền con người, các lợi ích kinh tế, thương mại, phát triển; tăng cường đoàn kết ASEAN, hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển ở Việt Nam và trên thế giới.
Thứ hai, Việt Nam đã và đang tích cực ứng cử và đảm nhiệm vai trò thành viên một số cơ quan của tổ chức quốc tế quan trọng, như Hội đồng nhân quyền, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Liên minh Bưu chính thế giới (UPU)... Trên cơ sở các thành tựu về quyền con người cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền thời gian qua, Việt Nam đang là ứng viên của ASEAN vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Thứ ba, chúng tôi gần đây hằng năm đều chủ động đề xuất Nghị quyết của HĐNQ về biến đổi khí hậu và quyền con người, trong đó chú trọng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, và đồng chủ trì tổ chức thảo luận chủ đề này hàng năm tại Hội đồng Nhân quyền.
Thứ tư, chúng tôi nỗ lực phát huy vận dụng luật pháp quốc tế, thúc đẩy thực hiện các điều ước quốc tế đa phương trong khuôn khổ LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng như tham gia đàm phán quy tắc mới trong một vài lĩnh vực, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Thứ năm, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đã tích cực đảm nhận vai trò điều hành, hoặc thành viên cơ quan thuộc một số tổ chức quốc tế tại Geneva như Chủ tịch Nhóm công tác của WTO về Thương mại và Chuyển giao công nghệ nhiệm kỳ 2021-2022, Phó Chủ tịch kiêm Báo cáo viên Cuộc họp Nhóm chuyên gia về bảo vệ người tiêu dùng (2021) trong khuôn khổ UNCTAD... qua đó góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam tích cực đóng góp vào công việc chung của các tổ chức quốc tế này.
Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, là tin vui của ngoại giao đa phương. Ảnh: Đoàn Việt Nam tham dự trực tiếp Đại hội UPU lần thứ 27 do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai dẫn đầu cùng Thủ tướng Bờ Biển Ngà Patrick Achi. |
Không ngừng tạo dấu ấn
Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Phái đoàn đẩy mạnh ngoại giao đa phương với nhiều dấu ấn quan trọng. Trước hết, phải kể đến đóng góp tích cực của Phái đoàn vào thành công ngoại giao vaccine, thúc đẩy hợp tác y tế với WHO và các cơ chế liên quan. Nhờ các vận động ở kênh ngoại giao đa phương và song phương của Phái đoàn và ở các nước trên thế giới cũng như của các cơ quan trong nước ta, tính đến cuối tháng 11, thông qua COVAX đã có khoảng 27 triệu liều vaccine về đến Việt Nam (trong tổng số khoảng 39 triệu liều vaccine COVAX cam kết trong năm 2021), góp phần hạn chế rất lớn số ca lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở trong nước thời gian qua.
Thứ hai, với sự tham dự tích cực trực tiếp của Phái đoàn chúng tôi tại Đại hội UPU tại Bờ Biển Ngà (8/2021) và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả đã thành công vượt mong đợi khi Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên của Hội đồng khai thác bưu chính (POC), và Đồng Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính bưu chính thuộc POC của UPU.
Thứ ba và là dấu ấn nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức mang tính lịch sử của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến các tổ chức quốc tế quan trọng tại Geneva tháng 11/2021, trong đó có các cuộc trao đổi với Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed; các Tổng giám đốc của UNOG, WHO, WTO, WIPO; và Giám đốc điều hành của GAVI, COVAX...
Chuỗi hoạt động ngoại giao đa phương cấp cao này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với nỗ lực quốc tế ứng phó và phục hồi từ đại dịch Covid-19, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam tích cực tham gia đoàn kết quốc tế giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu.
(*) Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
| Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Luôn tâm niệm phải phát huy sức mạnh mềm Việt Nam “Là đại diện của Việt Nam tại tổ chức UNESCO, nơi có nhiều đối tác với các lợi ích phức tạp, chúng tôi luôn tâm ... |
| Thời kỳ ngoại giao Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa theo tư duy mới Ngoại giao Việt Nam hiện đại từ khi nền dân chủ cộng hòa được thành lập đến nay, về cơ bản có 3 thời kỳ ... |