Bên lề AMM Retreat, Phu nhân, Phu quân Ngoại trưởng ASEAN hào hứng khám phá Nha Trang
19:18 | 17/01/2020
TGVN. Trong khuôn khổ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã chủ trì chương trình khám phá Việt Nam dành cho Phu nhân, Phu quân của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra từ ngày 15-17/1 tại thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa. Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã chủ trì chương trình tìm hiểu văn hoá, con người và làng nghề của người Việt Nam trên địa bàn Thành phố Nha Trang.
Điểm đến đầu tiên trong chương trình dành cho các Phu nhân, Phu quân Ngoại trưởng ASEAN là Tháp Bà Ponagar - ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12m so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang.
Tại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã tặng những chiếc nón do chính phụ nữ trong tỉnh làm cho các phu nhân, phu quân Ngoại trưởng ASEAN.
Phu nhân Ngoại trưởng Singapore, Ngoại trưởng Thái Lan và Ngoại trưởng Philippines thích thú với chiếc nón lá của Việt Nam.
Tại Tháp Bà, đoàn đã nghe về lịch sử của khu di tích. Tháp bà Ponagar là dấu tích còn sót lại của một nền văn minh cổ xưa, tháp được vua Chămpa xây dựng vào những năm 813-817 khi đạo Hindu ở Champa hưng thịnh. Do sự bào mòn của thời gian, ngày nay tháp đã bị hư hại khá nhiều.
Trải qua bao thăm trầm cùng thời gian và nhiều thế hệ con người, sự tàn phá của nắng gió và chiến tranh làm những ngôi tháp cổ thêm rêu phong kỳ bí vẫn là dấu ấn sâu sắc cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ trên dãy đất miền Trung tổ quốc.
Mặc dù thời gian đã làm toàn bộ khu di tích trở nên cũ kĩ rêu phong nhưng vẫn thể hiện là một công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo của người Chăm cổ. Những trụ đá cao to, tòa tháp rêu phong cổ kính với những tượng đá bạc màu theo năm tháng sẽ mãi tồn tại như một lời nhắn nhủ rằng dù ở thời đại nào, tín ngưỡng tâm linh cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Tháp Bà mang đậm văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Chăm cổ, tương truyền nơi đây thường tổ chức các buổi lễ cúng dâng hương do vua Chămpa đứng đầu nhằm thể hiện lòng biết ơn với Bà Mẹ Xứ Sở đã mang đến mùa màng tươi tốt, dạy cho dân Chăm biết trồng lúa, cày cấy, dệt vải giúp đời sống của người dân sung túc no đủ. Trong ảnh, những thiếu nữ Cham đang biểu diễn vũ điệu Aspara.
Các Phu nhân, Phu quân Ngoại trưởng ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại Tháp Bà.
Phu nhân, Phu quân Ngoại trưởng ASEAN và các Đại sứ chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo tỉnh, thành phố tại Tháp Bà.
Sau khi kết thúc chuyến tham quan Tháp Bà Ponagar, phu nhân, phu quân các nước ASEAN đã thăm Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa.
Tại Trung tâm, Đoàn đã trao tặng một ti vi và máy chiếu cho các em nhỏ nhằm giúp các em có thêm cơ sở vật chất phục vụ cho học tập. Những món quà trích từ quỹ chương trình Ẩm thực Quốc tế 2019 vừa qua.
Đây là nơi khám, phát hiện, quản lý trẻ khuyết tật trong tỉnh, tổ chức đưa các cháu đi phẫu thuật nụ cười, chỉnh hình, bại não... và cũng là nơi sản xuất, cấp phát dụng cụ trợ giúp. Tập vật lý trị liệu tại Trung tâm và thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Trung tâm còn là nơi nuôi dạy học sinh khuyết tật ở hai nhóm khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ, hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ khuyết tật, thực hiện chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính. Học sinh ở đây học bán trú, sáng đi chiều về, chia làm hai nhóm chính: khuyết tật nghe nói 61 em, khuyết tật trí tuệ 94 em, ngoài ra còn trên 10 em khuyết tật vận động đến tập vật lý phục hồi chức năng hàng ngày tại trung tâm.
Các em học sinh khiếm thính tại Trung tâm biểu diễn một tiết mục
văn nghệ.
Sau khi đến thăm các em nhỏ và cán bộ nhân viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa, Đoàn đã đến thăm làng yến Mai Sinh.
Tại đây, đoàn đã được tận mắt chiêm ngưỡng mô hình dụ Yến vào nhà và nuôi Yến trong nhà. Đồng thời, tìm hiểu quá trình chim Yến làm tổ, quy trình thu hái tự nhiên và trong nhà, tinh chế cho đến các sản phẩm làm từ tổ Yến.
Đoàn tham quan quy trình làm sạch yến tại làng sản xuất Yến.
Các Phu nhân, Phu quân Ngoại trưởng ASEAN đều tỏ ra thích thú và hào hứng với buổi tham quan đầy ý nghĩa. Thông qua buổi tham quan, Đoàn đã hiểu thêm về vẻ đẹp những di tích lịch của Việt Nam như Tháp Bà Ponagar, tình cảm sẻ chia gắn kết giữa con người với con người trong cộng đồng. Đồng thời, những vị khách từ các nước ASEAN đã hiểu thêm về làng nghề Việt Nam, sự đóng góp của làng nghề cho phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng và cộng đồng ASEAN chung.
Bộ Ngoại giao tuyên dương các tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực, hiệu quả trong quá trình biên soạn và xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 1/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 dành ...