Chợ nổi trên sông luôn có những đoàn thuyền chở dừa đầy ắp. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Sông Thom chỉ dài chừng 15km, được đào vào đầu thế kỷ XX để kết nối 2 nhánh lớn của sông Tiền là Hàm Luông và Cổ Chiên. Sông chảy vắt ngang rừng dừa cù lao Minh (Bến Tre) nên từ khi hình thành đã trở thành nơi buôn bán dừa tấp nập.
Sau khi đất nước thống nhất, ghe thuyền chở dừa từ các nơi về đây buôn bán ngày một nhiều, hình thành nên chợ nổi ngay trên sông.
Có chợ, 2 bên bờ sông thuộc xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam) và xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) đã trở thành trung tâm chế biến dừa lớn nhất cả nước.
Hàng trăm nhà xưởng nối nhau dọc theo bờ sông dài hàng cây số, đánh chỉ, kéo sợi, làm kẹo dừa, làm mứt, sữa, than đủ loại.
Một con thuyền đầy hàng vào chợ. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Chợ dừa sông Thom đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Không ít người bỏ vốn buôn dừa hay mở xưởng chế biến dừa đã thành triệu phú.
Tùy theo sức khỏe, bất kỳ ai đến chợ cũng có việc để làm.
Những người khỏe thì bốc vác, lột vỏ dừa mỗi ngày được hơn 500 nghìn đồng, có người còn được hơn một triệu đồng một ngày.
Những phụ nữ già cả, sức yếu thì đi phơi, gom xơ dừa mỗi ngày cũng được 200 nghìn đồng. Người lao động còn có thể quay chỉ xơ dừa, gọt cơm dừa…
Bà Nguyễn Thị Bướm (60 tuổi) là một trong những chủ hàng lớn nhất ở khu chợ với 3 vựa thu mua dừa, sử dụng hơn 200 lao động.
Theo bà, hai bên bờ sông Thom là khu chợ nổi độc nhất miền Tây với hàng trăm gian hàng chỉ bán mỗi dừa. Dừa từ khắp các tỉnh được thương lái tập trung về đây để bán cho các cơ sở chế biến ven sông.
Bà cho biết: "Dừa từ khắp nơi, từ Kiên Giang, Cà Mau cho đến Long An đều đổ về đây. Dừa mỗi tỉnh lại có đặc điểm riêng nên phù hợp với từng vựa và có giá nhất định.
Ví dụ dừa Bến Tre thì chất lượng nhưng tỷ lệ cơm thấp, dừa Trà Vinh thì trái to, cơm nhiều nhưng lại ít béo ngậy.
Các gian hàng nối tiếp dọc 2 bờ sông dài hàng km. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Chợ họp theo con nước, con nước lên thì tập trung đông, con nước rút thì tản ra nhưng ngày hay đêm đều có người buôn bán.
Người làm thì tại chỗ cũng có, người từ tỉnh khác, thậm chí là từ miền Bắc vào đây làm cũng nhiều".
Một chủ vựa cho biết, do tất cả mọi thứ từ cây dừa đều bán được tiền nên dù chợ hoạt động nhộn nhịp nhưng gần như không có rác, không hề ô nhiễm.
Ngày trước, ngoài cơm dừa và nước dừa thì những thứ còn lại là phế phẩm. Tuy nhiên ngày nay, xơ dừa được kéo thành sợi rồi dệt thành thảm xuất đi Hàn Quốc, Trung Quốc hay nhiều nước khác đang là mặt hàng "hot".
Đâu đâu cũng là cảnh mua bán dừa. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bến Tre, không chỉ buôn bán, chế biến dừa, chợ nổi sông Thom đã thành một tài nguyên du lịch đặc hữu, không đụng hàng với bất kỳ nơi nào khác.
Hiện có nhiều doanh nghiệp du lịch đang khai thác tuyến tham quan chợ nổi dừa sông Thom với hành trình khoảng 3 km đi thuyền trên sông.
Một lãnh đạo Sở cho biết: "Mỗi ngày, có hàng trăm chiếc ghe nườm nượp từ trong và ngoài tỉnh đổ về đây để mua bán dừa. Du khách sẽ có dịp tận mắt nhìn thấy những người thợ làm việc liên tục từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối với các công việc quen thuộc như: lột vỏ dừa, cạy cơm dừa, tách và phơi chỉ xơ dừa...".
Một cặp thuyền ghé bến lấy hàng. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hàm Luông cho biết, khách tham quan chợ nổi dừa sông Thom đều là khách nước ngoài, vì vậy mà hơn một năm nay, các doanh nghiệp đang tạm dừng khai thác tuyến này.
Thời gian trước đây, chợ nổi dừa rất được du khách yêu thích, đánh giá cao.
"Các doanh nghiệp khảo sát kỹ rồi mới mở tuyến, sản phẩm du lịch ở chợ nổi dừa là đặc hữu và ngày càng đa dạng, tiềm năng rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hết.
Hiện nhu cầu thị trường vẫn cao, chỉ cần đi lại quốc tế bình thường trở lại là khách du lịch đến chợ nổi dừa sẽ tấp nập", ông Sơn cho biết.
Một chủ cơ sở chế biến dừa kết hợp du lịch cho biết, do chỉ bán mỗi dừa, chợ không có rác chai nhựa, túi bóng nên sông luôn sạch sẽ, du khách rất thích.
Mùi thơm béo đặc trưng từ các cơ sở chế biến dừa ven sông theo gió khiến du khách đều háo hức thưởng thức đặc sản, ai cũng muốn được thấy cảnh làm mứt dừa, kẹo dừa rồi nếm thử và mua quà mang về.
Hàng chục người đang bóc vỏ dừa ở một xưởng cạnh bờ sông. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Những người phụ nữ đang phơi chỉ xơ dừa. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Các xưởng chế biến dừa tạo nên khung cảnh đặc sắc, ấn tượng dọc bờ sông. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Máy móc được áp dụng để tăng năng suất. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Xơ dừa dệt thành sợi đã tăng nhiều lần giá trị, được xuất khẩu đi nhiều nước. (Ảnh: Nguyễn Cường) |