📞

Bến Tre nỗ lực phục hồi hậu Covid-19

Khánh An 14:00 | 30/08/2022
Trong sáu tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bến Tre đã có chuyển biến rất tích cực. Đặc biệt, trong quý II/2022, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nhiều hoạt động kinh tế khởi sắc và nhộn nhịp trở lại.

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, nên ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý, nhất là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

Tín hiệu chuyển biến tích cực

Nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng lòng cùng vào cuộc, sự quản lý, điều hành linh hoạt, chủ động, quyết liệt của UBND tỉnh, kết hợp với sự đồng thuận của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Bến Tre đã mang lại những kết quả khá rõ nét trên các lĩnh vực, tình hình kinh tế-xã hội từng bước phục hồi và đạt được một số mục tiêu quan trọng, với nhiều tín hiệu khởi sắc.

Trong ba tháng đầu năm 2022, kinh tế của Tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các chỉ số kinh tế-xã hội đều chuyển biến tích cực. Nhờ vậy, trong sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt 3,83%, quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 29.387 tỷ đồng. Tính đến nay, có 1/22 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết, sáu chỉ tiêu xấp xỉ đạt, sáu chỉ tiêu đạt từ 50-80% kế hoạch và năm chỉ tiêu còn lại đạt dưới 50%.

Theo nhận định chung, từ quý II/2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại. Theo số liệu công bố của UBND tỉnh, hầu hết doanh nghiệp đã cơ bản ổn định sản xuất, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 30,92% so cùng kỳ, các hoạt động du lịch, vận tải dần phục hồi, lượng khách và doanh thu tăng mạnh và tất cả các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh đều hoạt động trở lại.

Đối với công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất tăng 7,72%, xuất khẩu duy trì mức tăng nhẹ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 764,68 triệu USD, tăng 10,35% so cùng kỳ và đạt 50,98% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 270 triệu USD, giảm 44,21% so cùng kỳ và đạt 33,75% kế hoạch. Các khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng 5,5%; dịch vụ là 5,55%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,38%.

Đầu tư nước ngoài và xúc tiến đầu tư tiếp tục phát triển, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư. Các doanh nghiệp FDI đã cơ bản phục hồi và hoạt động ổn định. Vốn giải ngân sáu tháng đầu năm đạt 21,69 triệu USD, bằng 29,71% so cùng kỳ, đạt 98,59% kế hoạch. Đặc biệt, Tỉnh đã ký Bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với 10 nhà đầu tư chiến lược trên nhiều lĩnh vực.

Đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị được tập trung. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 11.009 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ và đạt 45,87% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm (tính đến ngày 30/6/2022) đạt 39,29%. Trong đó, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, nổi bật là sự kiện khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2, do Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đúng kế hoạch.

Hoạt động khoa học và công nghệ đạt nhiều kết quả, một số nhiệm vụ trọng tâm cấp tỉnh có tính ứng dụng cao. Các hoạt động chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy được đẩy mạnh; đã lựa chọn được nhà thầu “Tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch 1/500 và lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tỉnh Bến Tre”. Đồng thời, Tỉnh đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Đề án thành lập Khu Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, đã lắp đặt thiết bị và đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).

Công tác chăm lo gia đình chính sách và thực hiện an sinh xã hội được kịp thời. Quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội được kiềm chế, kéo giảm và công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh được tập trung thực hiện.

Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2022 của tỉnh Bến Tre.

“Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”

Quán triệt sâu sắc tinh thần “Đồng thuận-Sáng tạo-Phát triển” và tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tập trung rà soát lại các nguồn lực của ngành, địa phương theo phân cấp quản lý để đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm phá vỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

Từ đó, các nhiệm vụ đã được sớm cụ thể hóa, đề ra giải pháp phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, phân tích về những kết quả đạt được trong hơn nửa đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam thẳng thắn cho rằng, nhìn nhận tổng thể, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm còn gặp rất nhiều khó khăn. Công tác quản lý, điều hành vẫn vấp phải một số hạn chế nhất định.

Cụ thể, mặc dù Bến Tre vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so cùng kỳ nhưng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu còn thấp, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Giá một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ, trong khi chi phí đầu vào, giá vật tư, nguyên liệu, phân bón đều tăng cao, làm giảm năng suất, giảm thu nhập của người dân; trong đó, một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương là trái dừa gặp khó khăn do giá giảm sâu và dịch bệnh.

Du lịch phục hồi mở cửa hoạt động trở lại, nhưng chủ yếu là khách nội địa, khách địa phương. Các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS giảm đáng kể, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA chậm, tiến độ triển khai các dự án đô thị trọng điểm còn chậm, nhất là các dự án đã xác định được nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng, những hạn chế trên chính là những thách thức phải vượt qua đối với Đảng bộ và Chính quyền Tỉnh. Lãnh đạo các cấp và nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và tạo đà cho những năm tiếp theo. Theo đó, công tác xây dựng Quy hoạch Tỉnh được xác định là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch của quốc gia, của vùng, đồng thời hoạch định hướng phát triển của Tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Song song là mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn hiện tại, đồng thời ưu tiên phân bổ vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 dự án, công trình theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Tỉnh và các công trình trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, khẩn trương bàn giao mặt bằng xây dựng cầu Rạch Miễu 2, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Thuận, khởi công dự án Tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1), khánh thành đưa vào khai thác các nhà máy điện gió đủ điều kiện, hoàn chỉnh hồ sơ khởi động xây dựng Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre, đẩy nhanh tiến độ, lựa chọn nhà thầu thi công Dự án Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ), thực hiện tốt các giải pháp để đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và nguồn vốn ODA năm 2022.

Ngoài ra, việc tập trung đầu tư, quy hoạch, phát triển cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa tỉnh Bến Tre với các tỉnh Tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre-Trà Vinh-Vĩnh Long-Tiền Giang); liên kết bốn tỉnh ABCD Mekong (An Giang-Bến Tre-Cần Thơ-Đồng Tháp). Đồng thời, phê duyệt chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị trên địa bàn Rỉnh, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bến Tre đến năm 2030, định hướng đến 2050, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng các đô thị, thị trấn, quy hoạch các phân khu chức năng và quy hoạch xây dựng vùng...