Phân tích các dữ liệu từ vệ tinh, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Brown của Mỹ phát hiện ra những lượng lớn nước bên trong các trầm tích núi lửa hoặc bên trong các lớp đá trải khắp bề mặt của Mặt trăng sau những đợt phun trào của núi lửa từ xa xưa trên vệ tinh của Trái đất này. Phát hiện này cho thấy có thể có nhiều nước trong lớp nằm giữa lớp vỏ và lõi của Mặt trăng.
Các trầm tích núi lửa cổ xưa cho thấy magma Mặt Trăng chứa một lượng nước đáng kể. (Nguồn: Olga Prilipko Huber) |
Theo nhà khoa học Ralph Miliken - người đứng đầu nhóm nghiên cứu, các phát hiện trước đây về nước trên Mặt trăng dường như không phải là nước có nguồn gốc từ chính Mặt trăng.
Mặt trăng được cho là được hình thành từ những mảnh vỡ của một vật thể đâm vào Trái Đất thời kì mới hình thành hệ Mặt trời, tuy nhiên thành phần hydrogen cần thiết để tạo thành nước khó có thể chịu được sức nóng trong thời kì hình thành Mặt trăng.
Li Shuai, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết phát hiện của họ cho thấy có thể nước đã chịu được sức nóng bằng cách nào đó, hoặc được các tiểu hành tinh hoặc sao chổi đem đến ngay sau cú va chạm trước khi Mặt trăng hoàn toàn đông cứng. Nguồn gốc chính xác của nước bên trong Mặt trăng vẫn là một câu hỏi lớn.
Phát hiện này cũng tạo thêm hy vọng cho việc thám hiểm Mặt trăng trong tương lai vì có thể hút nước từ các trầm tích núi lửa trên Mặt trăng.