Rửa tay là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng bệnh tay, chân, miệng. |
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước đã ghi nhận trên 2.100 trường hợp mắc tay chân miệng tại 47 địa phương. Số địa phương báo cáo mắc tay chân miệng có giảm nhưng số ca bệnh vẫn duy trì trên 2.000 ca và hàng tuần vẫn có ca tử vong.
Trong đó, tại Hà Nội, ngày 7/10, đã có thêm một trẻ trai 10 tháng tuổi (quận Đống Đa) tử vong sau khoảng 6 giờ nhập Bệnh viện Nhi Trung ương với các triệu chứng điển hình của bệnh.
Trước đó, ngày 20/9, một bé gái 3 tuổi tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương vì bệnh tay chân miệng ở thể rất nặng (nhiễm virus EV71). Đây là trường hợp đầu tiên chết vì bệnh này ở Hà Nội.
Đến nay cả nước ghi nhận trên 66.300 trường hợp mắc bệnh tại 61 địa phương, trong đó có 119 ca tử vong tại 25 tỉnh, thành phố. Từ giữa tháng 9 đến nay số ca mắc hàng tuần luôn dao động từ 2.000 đến 2.500 ca, các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại miền Nam chiếm tới 68% số mắc và gần 90% số tử vong.
Các địa phương trọng điểm về dịch tay chân miệng như Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm từ 500 ca xuống còn 300 ca/tuần, Bình Dương từ 100 ca xuống còn 70ca/tuần.
Nguyên nhân sự lây lan của bệnh là do lây truyền virus đường ruột, tiếp xúc trực tiếp, chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tỷ lệ người lành mang chủng cao không có biểu hiện ra bên ngoài, đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến phức tạp.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải công bố dịch tay chân, miệng để cảnh báo cho người dân biết.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), các địa phương đều đã nắm rõ các điều kiện trong Quyết định 64/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện công bố dịch, vì vậy các địa phương sẽ xem xét tình hình dịch và việc kiểm soát để quyết định công bố hay không công bố dịch. Do đó, chỉ công bố dịch khi các tỉnh công bố và khi đó Bộ sẽ tập trung nguồn lực để phòng chống dịch.
Về vấn đề kiểm soát dịch tại địa phương, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức của người dân, bởi có thực tế khi đã triển khai đầy đủ, đúng hướng dẫn của Bộ mà các ca bệnh không giảm.
Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng ở nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc và ca tử vong. Các địa phương cần tuyên truyền về việc phòng chống tay chân miệng tại cộng đồng, vì việc phòng chống dịch chỉ thành công khi người dân có ý thức và biết tự bảo vệ mình.
Cục Y tế dự phòng cũng vừa có công văn gửi Sở Y tế các địa phương về việc tăng cường xét nghiệm xác định các trường hợp tử vong.
Theo đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm xác định các trường hợp chuyển nặng, trường hợp tử vong, bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur để xét nghiệm giám sát căn nguyên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, tăng cường kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện...
Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cho biết dù tỷ lệ người lành mang trùng cao nhưng người dân cũng không nên vì quá lo lắng mà đi xét nghiệm tràn lan bởi virus chỉ có thể tồn tại trong cơ thể con người khoảng vài tuần và chỉ cần phòng bệnh thông qua việc vệ sinh sạch sẽ bàn tay, ăn chín, uống chín... như khuyến cáo của ngành y tế.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng vừa đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm đóng trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các thuốc trong phác đồ điều trị tay chân miệng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Cục Quản lý Dược cho biết, Cục sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh của các đơn vị để đảm bảo đủ thuốc.
Theo VGPNews