Bernama đăng ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị về thúc đẩy ngành Halal Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình) |
Chiều ngày 22/10, tại thủ đô Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc về Halal với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”.
Đăng ảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị, bài viết trên Bernama khẳng định, Việt Nam đang theo đuổi chiến lược kép nhằm phát triển nền kinh tế Halal, trở thành nước sản xuất và xuất khẩu chủ chốt các sản phẩm Halal, đồng thời củng cố quan hệ ngoại giao với cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam coi trọng việc phát triển ngành Halal và xác định đây là hướng đi mới trong hoạt động sản xuất.
"Chúng tôi mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới”, Thủ tướng cho biết.
Bernama nhấn mạnh, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, gần các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, là những nước có nhu cầu lớn về thực phẩm và dịch vụ Halal. Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Là nền kinh tế với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu đến từ ngành nông nghiệp và chăn nuôi, Việt Nam có thêm thế mạnh khi mở rộng sang phân khúc Halal. Dự báo kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ đạt 54 tỷ USD trong năm nay.
Việt Nam hiện có khoảng 90.000 tín đồ Hồi giáo. Trả lời phỏng vấn Bernama qua điện thoại, ông Ramlan Osman, Giám đốc Cơ quan Chứng nhận Halcert thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, Việt Nam đang thể hiện rõ sự sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế Halal, cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định quốc tế, đồng thời phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Việt Nam hướng tới cả thị trường Hồi giáo và phi Hồi giáo, với khoảng 1.000 sản phẩm Halal hiện đã được xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN.
Halcert đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 cơ quan chứng nhận nước ngoài – GAE Resources Malaysia Sdn Bhd, đối tác chiến lược của Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM), Cơ quan Halal Hàn Quốc, MUIS Singapore (Hội đồng Hồi giáo Singapore) và Trung tâm Chứng nhận châu Âu để hợp tác trong đào tạo, đối tác và công nhận lẫn nhau.