Bhutan được ví như vùng đất “thuần khiết” cả về thiên nhiên và con người. (Nguồn: Dralanviau) |
Bỏ qua GDP
Bhutan là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đặt sự hạnh phúc của công dân lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các chỉ số kinh tế khác. Quốc gia Nam Á này sử dụng Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm thước đo cho sự phát triển của đất nước.
Kể từ những năm 1970, các nhà lãnh đạo Bhutan bắt đầu ưu tiên hạnh phúc của người dân hơn tăng trưởng kinh tế. Thời điểm đó, đối mặt với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng và nguy cơ xói mòn các giá trị truyền thống, lãnh đạo đất nước đã đưa ra khái niệm GNH như một cách tiếp cận toàn diện để phát triển.
GNH bao gồm 9 lĩnh vực: Phúc lợi tâm lý, mức sống, quản trị tốt, sức khỏe sức sống cộng đồng, đa dạng văn hóa, sử dụng thời gian và khả năng phục hồi sinh thái.
Chính vì vậy, chính phủ nước này luôn ý thức được mức độ quan trọng trong việc mang lại những điều tốt đẹp và vui vẻ cho con người. Toàn bộ chi phí cơ bản như y tế, giáo dục... đều được miễn phí ở đất nước này.
Song song với đó, chính phủ rất coi trọng việc bảo tồn sự đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Điều này không chỉ mang tính biểu tượng đơn thuần mà còn thấm sâu vào các chính sách kinh tế - xã hội - giáo dục.
Hòa mình vào thiên nhiên
Bảo tồn môi trường được coi như triết lý sống và là một trong 4 trụ cột hạnh phúc tại Bhutan. Đất nước này cũng trở thành một trong những quốc gia xanh nhất thế giới với độ che phủ rừng ấn tượng khoảng 72%.
Một nửa diện tích đất nước là công viên quốc gia, khu bảo tồn. Người dân nơi đây hạnh phúc khi được sống hòa mình vào thiên nhiên. Những khu rừng tươi tốt, những cảnh quan nguyên sơ, bầu không khí trong lành là điều kiện để người Bhutan phát triển đời sống tinh thần và nuôi dưỡng hạnh phúc.
Lối sống cộng đồng
Xã hội Bhutan được xây dựng dựa trên ý thức cộng đồng và sự gắn kết xã hội mạnh mẽ. Người dân tại đất nước yêu chuộng hòa bình và kỷ luật. Họ có mối quan hệ thân thiện với nhau, không kể tầng lớp xuất thân.
Sự gần gũi này khiến con người quý mến nhau hơn. Người dân tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng náo nhiệt như lễ hội truyền thống, nghi lễ tôn giáo và lao động công ích. Mạng lưới xã hội gắn bó chặt chẽ này tạo ra một môi trường đoàn kết và hợp tác, nơi mọi người cảm thấy được kết nối và được coi trọng.
Hạnh phúc về tinh thần
Bhutan là thành trì cuối cùng của Phật giáo Kim cương thừa. Dấu ấn Phật giáo và nguồn gốc tôn giáo Tây Tạng có thể được nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu trên khắp đất nước.
Người dân nơi đây có niềm tin sâu sắc vào Phật giáo. Việc theo đuổi sự bình an bên trong, chánh niệm, không cạnh tranh, sân si và không bao giờ nghĩ sẽ làm gì xấu với người khác ăn sâu vào tâm thức người dân.
Họ cho rằng, nếu sống tốt đẹp, kiếp sau sẽ nhận được kết quả viên mãn. Điều này thôi thúc họ trở thành người có ích, làm nhiều việc tốt. Đối với người dân tại nơi đây, được sống là điều hạnh phúc nhất.
Hạn chế tiếp xúc với công nghệ
Người dân đất nước Nam Á cho rằng, những bản tin đăng tải trên truyền hình hay mạng xã hội ngập tràn các vụ án hình sự, khủng bố, chiến tranh… dễ dàng làm cho con người trở nên tiêu cực. Vì vậy, đất nước này đã chấp nhận tiếp cận với công nghệ một cách chậm rãi, thận trọng.