Quá trình phân tích con dao găm được tìm thấy trong lăng mộ hoàng đế Ai Cập Tutankhamun cho chúng ta bằng chứng người Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng sắt từ các mảnh thiên thạch rơi xuống trái đất. Con dao găm này được chế tác bằng sắt lấy ra từ một tảng thiên thạch.
Nhưng tại sao người ta phải khai thác sắt từ một nguồn bất thường như vậy trong khi có rất nhiều sắt ở ngay trên trái đất?
Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn không nghĩ rằng, người Ai Cập cổ đại lại đặc biệt giỏi trong việc chế tác đồ sắt. Không hề có bằng chứng khảo cổ học nào tìm được cho thấy việc sử dụng công cụ bằng sắt ở vùng thung lũng sông Nile trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của họ.
Con dao găm của Hoàng đế Ai Cập cổ đại Tutankhamun được chế tác bằng sắt lấy từ thiên thạch. |
Vua Tutankhamun là một pharaon Ai Cập thuộc triều đại thứ 18 (trị vì vào khoảng năm 1332-1324 TCN theo bảng niên đại quy ước), trong giai đoạn Tân vương quốc của Lịch sử Ai Cập. Khi nhà vua qua đời vào năm 1325 TCN, sắt là một vật liệu hiếm hơn vàng. Nguồn tự nhiên phổ biến nhất của sắt kim loại trên trái đất là quặng sắt. Quá trình nấu chảy quặng sắt và các vật liệu khác thu được một loại sắt chất lượng thấp, tiếp đến là loại bỏ tạp chất. Điều này đòi hỏi bí quyết, công sức và công cụ của người Ai Cập cổ đại mà chúng ta chưa tìm ra bằng chứng.
Nguồn cung quặng sắt tập trung nhiều ở Ai Cập và bán đảo Sinai. Các văn bản cổ xưa ghi lại người Ai Cập đã nhận thức về kim loại sắt từ rất sớm trong lịch sử hình thành của họ. Nhưng quặng sắt chỉ được sử dụng để tạo màu sắc và nền cho các tác phẩm nghệ thuật. Bởi lẽ các loại quặng sắt dễ dàng khai thác lại có chất lượng kém nên không được dùng để chế tạo những sản phẩm có giá trị cao hơn.
Tuy nhiên, sắt kim loại không chỉ được tách ra từ quặng sắt. Các nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng cho thấy rất nhiều xã hội tiền sử trên thế giới, đặc biệt là những xã hội không có quyền khai thác các mỏ quặng hoặc không có kiến thức về luyện kim, đã sử dụng sắt kim loại được tìm thấy trong các mảnh thiên thạch rơi xuống trái đất.
Những người Ai Cập cổ đại coi sắt như một loại vật liệu siêu phàm, không thích hợp để tạo ra những vật dụng thông thường hàng ngày, mà cần phải dành cho riêng cho người có địa vị cao quý trong xã hội. Theo họ, sắt được tách ra từ các mảnh thiên thạch rơi xuống trái đất từ nơi ở của các vị thần theo quan niệm của họ. Thậm chí thiên thạch có thể đã đóng một vai trò trực tiếp hơn trong tôn giáo. Ví dụ, tảng đá "Benben" được thờ trong đền thờ Thần Mặt Trời ở Heliopolis được cho là một thiên thạch. Từ "benben" có nguồn gốc từ động từ "weben", có nghĩa là "tỏa sáng".
Những người cổ đại Ai Cập biết đến sắt thiên thiên thạch sớm nhất. Bằng chứng là một hạt cườm làm từ sắt thiên thạch đã được tìm thấy ở một nghĩa địa thời tiền sử ở đất nước này. Ngôn ngữ cổ đại cũng cung cấp những đầu mối về chuyện người Ai Cập cổ đại đã sử dụng sắt như thế nào. Các từ ngữ đề cập đến loại sắt này được sử dụng trong nhiều văn bản bao gồm các nội dung viết về Kim tự tháp, các tác phẩm tôn giáo được cho là đã được viết khoảng năm 2375 TCN. Từ đầu triều đại thứ 19 (khoảng 1295 TCN) có một từ tượng hình mới xuất hiện: "bi-A-n-pt" - có nghĩa đen dịch là "sắt từ trên trời".
Ý nghĩa nghi lễ
Sắt được kết hợp với các đồ tạo tác khác để sử dụng trong các nghi lễ thời cổ xưa như sử dụng trong ngày khai mạc của lễ Mouth, một nghi lễ được thực hiện trước khi đưa xác ướp vào hầm mộ. Người Ai Cập cổ đại cho rằng sự kết hợp của sắt với thiên thạch sẽ làm tăng hiệu lực của các nghi lễ.
Ngoài ra, lưỡi dao găm làm từ sắt thiên thạch còn được đề cập trong thư tín ngoại giao. Nổi tiếng nhất là bức thư của vua Tushratta trị vì vương quốc Mitanni (là quốc gia của người Hurria ở phía bắc Lưỡng Hà vào khoảng 1500 TCN) đã miêu tả chi tiết một vật hồi môn trao cho con gái của Vua trước khi được gả cho vua Amenhotep Đệ Tam (ông nội của Tutankhamun). Bức thư cũng đề cập lưỡi dao găm được làm bằng chất "habalkinu", một từ cổ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Hittite cổ xưa mà một số nhà ngôn ngữ học đã dịch là "thép".
Việc phân tích chi tiết về hóa chất và vi cấu trúc của các tạo tác khác sẽ cho giới khoa học biết liệu thiên thạch có phải là một nguồn cung cấp sắt phổ biến trong thời kỳ của người Ai Cập cổ đại không. Họ cũng đang tìm hiểu và xác định việc luyện kim quặng sắt bắt đầu ở Ai Cập khi nào và ở đâu để bổ sung kiến thức của nhân loại về nguồn gốc, sự tiến hóa và phương pháp gia công kim loại trong thời Ai Cập cổ đại.
Bằng cách kết hợp với kiến thức hiện đại về tầm quan trọng văn hóa của sắt, chúng ta có thể khám phá thêm những giá trị thực sự của kim loại này ở Ai Cập cổ đại.