Nồi nước hầm đã tồn tại khoảng 50 năm. |
Nói thủ đô Bangkok, Thái Lan là "thiên đường ẩm thực" cũng không ngoa, bởi thành phố này sở hữu hơn 320.000 nhà hàng, với vô số món ngon.
Nhiều tín đồ ẩm thực tới Bangkok bởi có quá nhiều lựa chọn ăn uống, từ món ăn đường phố, cho tới cửa tiệm truyền thống từ nhiều đời cha truyền con nối và cả nhà hàng được gắn sao Michelin.
Trong số đó, Wattana Panich là nhà hàng nổi tiếng nhất ở con phố Ekkama, chuyên phục vụ món mì bò truyền thống, tồn tại khoảng 50 năm và được truyền qua 3 thế hệ.
Quán nổi danh tới mức khách du lịch vẫn bảo nhau, hẳn quá nửa người dân ở Bangkok khi được hỏi đều biết nhà hàng này.
Không chỉ thu hút người bản địa, khách quốc tế cũng xếp hàng nườm nượp vào ăn, nhưng Wattana Panich vẫn giữ ở mức giá bình dân so với nhiều "đối thủ" cạnh tranh.
Đặt chân tới Bangkok hồi cuối tháng 7, cây bút Marielle Descalsota của tờ Insider (Mỹ) không thể bỏ lỡ cơ hội ghé thăm quán ăn trứ danh này.
Lướt nhanh trên các trang đánh giá trực tuyến về nhà hàng, thực khách bốn phương để lại nhiều nhận xét về món nước hầm "có độ sâu hương vị khó giải thích" hoặc trầm trồ khen ngợi "ngon khó cưỡng".
Khi Marielle tới nhà hàng vào giờ trưa, bên trong đã tấp nập người vào ra, từ nhân viên giao hàng, khách thập phương cho tới dân du lịch. Bảng hiệu tại đây gồm cả tiếng Thái và tiếng Trung Quốc, vì gia đình là người Thái gốc Hoa.
Ấn tượng đầu tiên "đập" vào mắt nữ phóng viên của Insider chính là nồi hầm khổng lồ trên bếp đang sôi sục, tỏa mùi thơm quyến rũ.
Nattapong Kaweenuntawong, chủ nhà hàng, cho biết, cửa tiệm đã trải qua 3 thế hệ. Người phụ nữ áo đen trong ảnh là mẹ anh. Bà chuyên đảm nhận việc "chăm lo" nồi hầm.
Anh Nattapong tiết lộ, để món mì bò khác biệt hơn so với nhiều nơi, chính là phần nước hầm không đâu có được. Nồi hầm được ninh liên tục. Suốt 50 năm qua, họ không đổ bỏ nước hầm. Nếu phần nước trong ngày còn thừa, các đầu bếp sẽ lấy ra, cất vào tủ lạnh để tránh bị hư hỏng.
Vào ngày hôm sau, nó được lấy ra, dùng làm nước cốt cho món hầm. Tới sáng, đầu bếp thêm khoảng 25kg thịt bò vào nước hầm, tiếp tục đun sôi.
Hương vị nhờ đó được lưu giữ hàng chục năm tuổi và làm món ăn thêm đậm đà. Với cách làm này trong nhiều năm liền, chủ quán tin rằng đây là phương pháp giữ nguyên hương vị nước hầm không thay đổi, tạo ra món ăn nổi tiếng.
"Chúng tôi không đổ bỏ nước dùng. Cái nồi đó chẳng bao giờ rỗng", anh Nattapong nói.
Thực đơn của quán có khoảng chục món, các món được gọi nhiều nhất là dê hầm thuốc bắc và mì bò. Việc dùng nhiều loại thảo mộc Trung Quốc cho món súp giúp nước hầm của quán khác với kiểu nấu truyền thống ở Thái Lan vốn dùng nhiều sả và ớt.
Sau khi gọi món và ngồi chờ khoảng 10 phút, Marielle được thưởng thức món súp thịt cừu. Đúng như lời giới thiệu của anh Nattapong, bát súp có hương vị của nhiều loại thảo mộc khiến cô liên tưởng tới món bak ku teh (súp sườn heo) của Malaysia.
"Nước hầm có tuổi đời thậm chí gấp đôi tuổi tôi. Đây là món ngon nhất tôi được thưởng thức trong chuyến đi này", Marielle nhận xét.
Theo mô tả của nữ phóng viên, món ăn có "hương vị thịt rất đặc biệt" và "có thể ăn riêng cả bát súp mà không cần cơm hay đồ gì đi kèm". Tổng bữa trưa gồm 2 món của cô chỉ tốn 200 Baht (hơn 131 nghìn đồng) - con số được đánh giá "rẻ hơn" rất nhiều so với ăn tại Jay Fai, một nhà hàng nổi tiếng khác ở Bangkok.
Không chỉ thưởng thức món ăn ngon, sự thân thiện của chủ nhà hàng còn khiến Marielle thêm yêu mến nơi này. Cô còn cho biết thêm, ngoài món súp "trứ danh", khách tới đây thường gọi thêm cốc trà hoa bụt giấm để giải nhiệt.
"Nếu dừng chân ở Bangkok, bạn nhất định phải tới Wattana Panich. Nồi nước hầm xứng đáng với vị thế huyền thoại của nó. Tôi ước rằng, nó sẽ chẳng bao giờ ngừng sôi", cô nói.