📞

Bị siết chặt, công ty giáo dục Trung Quốc chuyển hướng sang cả nông nghiệp, may mặc

Thanh Dung 19:45 | 21/11/2021
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tiếp tục siết chặt giáo dục tư nhân và các dịch vụ dạy và học thêm sau giờ học, nhiều công ty giáo dục nước này đang phải vật lộn tìm hướng đi mới, thậm chí chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và may mặc, vốn không phải là thế mạnh.

Chỉ cách đây vài tháng, các nhà đầu tư quốc tế còn đưa ra mức định giá hơn 30 tỷ USD cho Tập đoàn New Oriental Education & Technology, một trong những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực giáo dục tư nhân nhờ lợi nhuận khổng lồ thu được từ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một buổi phát trực tiếp vào tháng này trên Douyin, phiên bản nội địa của TikTok, người sáng lập New Oriental, ông Yu Minhong đã công bố kế hoạch xoay chuyển đáng ngạc nhiên. Theo đó ông và hàng trăm giáo viên của Tập đoàn này sẽ bán các sản phẩm nông nghiệp thông qua một nền tảng trực tuyến và phần lớn hoạt động kinh doanh giáo dục của Tập đoàn sẽ bị đóng cửa.

“Đây không chỉ đơn giản là hoạt động bán hàng. Lĩnh vực kinh doanh này còn giúp hồi sinh khu vực nông thôn và nâng cao kỹ năng của nông dân”, ông Yu Minhong giải thích về quyết định chuyển hướng sang ngành nghề mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chỉ trích gay gắt việc dạy và học thêm sau giờ học chính khóa. (Nguồn: Getty)

Đồng loạt chuyển hướng

Không riêng gì New Oriental, nhiều công ty giáo dục tư nhân và nhà đầu tư tại thị trường Trung Quốc buộc phải chuyển hướng kinh doanh sau khi chính phủ nước này thực hiện các chính sách cải cách giáo dục mạnh mẽ vào tháng Bảy năm nay.

Trung Quốc đã mạnh tay siết chặt hoạt động của các cơ sở giáo dục tư nhân chạy theo lợi nhuận và yêu cầu bám sát theo chương trình giảng dạy cơ bản của Bộ Giáo dục dành cho học sinh từ bậc mẫu giáo đến lớp 9.

Từ những “gã khổng lồ” như New Oriental cho đến những công ty địa phương nhỏ nhất đều đang phải vật lộn tìm giải pháp để tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục hay đóng cửa hoàn toàn và chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh mới.

Hiện New Oriental đang đóng cửa khoảng 1.500 cơ sở giảng dạy trên toàn quốc, chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở của tập đoàn và sẽ giảm hơn 40.000 nhân viên, tương đương 40% nhân lực vào cuối năm nay.

Tập đoàn giáo dục này cho biết sẽ duy trì cung cấp các sản phẩm và dịch vụ không nằm trong lĩnh vực cấm của chính phủ như các khóa luyện thi, khóa đào tạo ngôn ngữ cho người đi làm, các tài liệu về giáo dục…Đồng thời, tập đoàn tiếp tục tìm kiếm và triển khai các sáng kiến, cơ hội kinh doanh mới.

New Oriental thậm chí còn thành lập một công ty con mới là Dongfang Youxuan, chuyên mua bán phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống cây trồng và thực phẩm đóng gói sẵn. Công ty này sẽ mua lại một số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp và phân phối qua các nền tảng trực tuyến như Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu.

Là một trong những người ảnh hưởng với hơn 1,6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo, thông báo chuyển hướng kinh doanh của doanh nhân Yu Minhong, ông chủ của New Oriental, ngay lập tức gây xôn xao trong cộng đồng mạng.

“Không có gì sai khi bán các sản phẩm nông nghiệp, nhưng tôi không nghĩ ông ấy nên đầu tư theo số đông. Tôi vẫn nhớ ước mơ của ông ấy là sáng lập và điều hành một trường đại học tư thục nhưng hiện tại tôi không nghĩ ước mơ này sẽ được tiếp nối”, một cư dân mạng chia sẻ.

Mới đây, Yuanfudao, công ty khởi nghiệp ed-tech được “gã khổng lồ công nghệ” Tencent hậu thuẫn, chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến cho học sinh tiểu học và trung học, cũng quyết định đầu tư 50 triệu Nhân dân tệ vào một công ty may mặc. Công ty này dự kiến chuyển hướng sang sản xuất áo khoác phục vụ thị trường thời điểm mùa Đông năm nay.

Vật lộn để thích ứng

Dù vậy, một nhân viên công ty Yuanfudao tiết lộ, may mặc chỉ là một lĩnh vực kinh doanh “rất nhỏ” và phủ nhận việc doanh nghiệp này đang từ bỏ sân chơi giáo dục trực tuyến. Vào tháng 9, công ty này vẫn đầu tư 100 triệu Nhân dân tệ để thành lập một công ty con mới, chuyên cung cấp phần mềm giáo dục trực tuyến cho phép học sinh và gia sư có thể tương tác trong thời gian thực trên nền tảng này.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, New Oriental gần đây thành lập một công ty đào tạo nguồn nhân lực và một đơn vị chuyên đào tạo ngôn ngữ lập trình. Giám đốc cấp cao của Tập đoàn này tiết lộ công ty cũng đang có kế hoạch sản xuất các thiết bị học tập chứa các tài liệu giáo dục sẵn có và bán nội dung kỹ thuật số cho các trường công lập.

Phụ huynh Trung Quốc đứng chờ con tại một trung tâm dạy thêm sau giờ học tại Bắc Kinh. (Nguồn: Getty)

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu dịch vụ dạy thêm phải đăng ký giấy phép kinh doanh với tư cách là “tổ chức công ty phi lợi nhuận” nếu họ muốn tiếp tục dạy thêm theo chương trình giảng dạy. Điều này buộc những công ty dạy thêm khác áp dụng hình thức giảng dạy phi lợi nhuận để tồn tại.

Zuoyebang, một kỳ lân ed-tech từng huy động được hơn 1,6 tỷ USD từ Alibaba Group Holding, SoftBank và một số nhà đầu tư khác vào năm 2020 vẫn kiên định với lĩnh vực này khi tiếp tục duy trì dịch vụ dạy thêm như một doanh nghiệp phi lợi nhuận.

Chính sách “giảm kép” – giảm gánh nặng cho cả trẻ em và phụ huynh bằng cách rút ngắn thời gian làm bài tập về nhà và học thêm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 vừa được chính phủ đưa ra như một phần trong chương trình nghị sự “thịnh vượng chung” rộng lớn hơn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các nhà chức trách cho rằng, gánh nặng tài chính dành cho giáo dục, đặc biệt là các dịch vụ học và dạy thêm là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm đáng kể tại Trung Quốc.

Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình từng lên tiếng gay gắt chỉ trích các dịch vụ dạy và học thêm sau giờ học, cho rằng các dịch vụ này đã “làm tăng gánh nặng tài chính của học sinh và gia đình”, “vi phạm luật giáo dục” và “phá vỡ trật tự bình thường của giáo dục”.

Việc siết chặt giáo dục tư nhân và dịch vụ học và dạy thêm đã khiến nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này điêu đứng. Giá cổ phiếu của các công ty giáo dục hàng đầu Trung Quốc liên tục bị bán tháo, giảm hơn 90% so với thời kỳ đỉnh cao hồi tháng Hai năm nay.

Báo cáo gần đây của tổ chức tư vấn cũng cho thấy, ước tính khoảng 10 triệu người đang làm việc trong ngành giáo dục của Trung Quốc và hơn 3 triệu người sẽ bị mất việc, buộc phải thay đổi công việc hoặc chuyển sang các bộ phận khác.

Bắt đầu vào tháng 8, một số công ty ed-tech lớn thậm chí ngừng cập nhật số liệu nhân viên trên mạng nội bộ nhân viên.

Alila Zhou, 50 tuổi, cựu quản lý chi nhánh của một công ty dạy thêm, cho biết công ty mẹ đã đóng cửa khoảng 20 chi nhánh ở các thành phố nhỏ và cô cũng buộc phải nghỉ việc.

Giờ đây, cô thành lập một cơ sở không chính thức giảng dạy tại nhà cùng với một số đồng nghiệp cũ. Khách hàng của họ chủ yếu vẫn là những phụ huynh cũ có nhu cầu tiếp cho con học thêm, bất chấp lệnh cấm đối với các dịch vụ chính thức vì lợi nhuận.

Cho đến nay, vẫn chưa có công ty giáo dục nào của Trung Quốc tìm thấy một mô hình bền vững để đa dạng hóa hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. “Chúng tôi vẫn đang đàm phán với chính phủ, nhưng mục đích của nhà chức trách rất rõ ràng: ngừng dạy thêm sau giờ học”, đại diện một công ty giáo dục than phiền.

(theo Nikkei Asia)