Báo Daily Express của Anh đưa tin hôm 13/9 rằng tàu sân bay thế hệ mới HMS Queen Elizabeth trị giá 3,1 tỷ Bảng Anh (tương đương khoảng 3,9 tỷ USD) của hải quân Hoàng gia Anh trong tuần qua đã thực hiện các bài huấn luyện trên biển trước khi quay trở lại căn cứ để tiếp nhiên liệu.
Anh dự định cử tàu sân bay đến Biển Đông. (Nguồn: Skynews) |
HMS Queen Elizabeth sau đó tiếp tục các cuộc tập trận quốc tế lớn, trong đó có sự tham gia lần đầu tiên của tiêm kích F-35 Lightning của cả Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, Nghị sĩ Andrew Bowie đại diện vùng Đông Bắc Scotland nói Bộ Quốc phòng Anh phải “mở to mắt trước những điều hiển nhiên”, nhấn mạnh rằng họ nên hành động ngay và triển khai tàu sân bay đến Thái Bình Dương.
Phát biểu trước các nghị sĩ tại Hạ viện Anh, Nghị sỹ thành viên đảng Bảo thủ cảnh báo “quy mô của hạm đội Trung Quốc và tốc độ phát triển của nó là một lời cảnh báo rõ ràng về quyết tâm trở thành siêu cường hàng hải của Trung Quốc”.
Nghị sĩ Andrew Bowie nói hải quân Trung Quốc phát triển đáng kể kể từ năm 2014 và hiện có 335 tàu.
Ông Bowie, là cựu sỹ quan hải quân, nói rằng: “Với việc cả Mỹ và Australia đều bác bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 7, đã đến lúc một nước Anh toàn cầu thực sự hành động” và đối mặt với sự xâm lấn phi pháp của Trung Quốc.
“Tuần trước, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phóng một loạt tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở khoảng cách đáng kể ra Biển Đông”.
Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán lịch sử đối với 80% vùng Biển Đông, sử dụng cái gọi là “đường chín đoạn” hình chữ U, chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, theo Daily Express.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng chồng lấn lên các EEZ của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Tháng 6 vừa qua, Mỹ đã đáp trả một cách cứng rắn về Biển Đông, cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một “đế chế hàng hải” ở vùng biển giàu tài nguyên. Bắc Kinh đã bác bỏ điều này.
Ngày 11/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và nói rằng luật pháp quốc tế phải được tuân thủ.
Tổng thống Duterte đưa ra tuyên bố này trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, người có chuyến công du 4 nước Đông Nam Á trùng với thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi về vấn đề Biển Đông.
Ông Duterte nói: “Chúng ta phải luôn tuân thủ các cam kết luật pháp quốc tế. Tất cả các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình ”.
Theo Daily Express, Philippines hoài nghi sâu sắc về Trung Quốc khi chứng kiến sự xâm nhập lãnh thổ, bắt nạt ngư dân và bị cản trở khi khai thác các tài nguyên biển của mình.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng đề cập việc triển khai HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông vào năm 2017 nhưng tuần qua, Bộ Quốc phòng Anh nói việc triển khai chi tiết vẫn đang được xem xét.
AMM 53: Các tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình TGVN. Ngày 12/9, phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin ... |
Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông TGVN. Ngày 12/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết đoàn đại biểu của Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ ... |
Việt Nam-Trung Quốc đàm phán về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác cùng phát triển trên biển TGVN. Ngày 9/9, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán trực tuyến Vòng XIII Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa ... |