Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, không thể giải quyết bất kỳ giao dịch nào với Nga bằng USD - đồng tiền được chấp nhận rộng rãi cũng như được dự trữ hàng đầu thế giới.. (Nguồn: AFP) |
Tháng 2/2022, khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đất nước này đã hứng "cơn mưa" trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Các biện pháp trừng phạt đã cắt Moscow khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu SWIFT. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới không thể giải quyết bất kỳ giao dịch nào với Nga bằng USD - đồng tiền được chấp nhận rộng rãi cũng như được dự trữ hàng đầu thế giới.
Để vượt qua rào cản, các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng đồng nội tệ của họ để thanh toán thương mại với Nga. Một số quốc gia khác cũng tham gia vào làn sóng "xa lánh" đồng bạc xanh như: Brazil, Indonesia, Malaysia...
Trung Quốc nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD
Việc Nga bị trừng phạt khiến Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lo ngại về vấn đề phụ thuộc vào hệ thống tài chính được thống trị bởi đồng USD. Điều này đang làm dấy lên nhiều ý kiến trong nước cho rằng, quốc gia này nên giảm mức độ tiếp xúc với đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, theo ông Robert Greene, một học giả tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), không giống như Moscow, Bắc Kinh lại có ít lựa chọn thay thế hơn.
Ông nhận định: “Thời gian qua, khi bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt, Nga đã đa dạng hoá kho dự trữ ngoại hối bằng cách tăng tài sản bằng đồng NDT. Nhưng với Trung Quốc, đất nước tỷ dân khó có thể đưa ra lựa chọn tương tự".
Không thể phủ nhận, Trung Quốc đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, nước này hiện đã ký kết hơn 40 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương hoặc cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 31 thỏa thuận đang có hiệu lực, với tổng quy mô khoảng 4,16 nghìn tỷ NDT(khoảng 585 tỷ USD).
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương là các thỏa thuận tài chính, trong đó ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể dùng đồng tiền của mình để đổi lấy đồng tiền khác.
Lượng tiền hoán đổi này có thể được sử dụng cho hoạt động thương mại và đầu tư song phương, giúp tiết kiệm chi phí chuyển đổi ngoại tệ và giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá.
Đáng chú ý là họ đã thiết lập Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) dựa trên đồng NDT để xử lý các giao dịch.
Dù vậy, nhiều bên tham gia CIPS vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính dựa trên đồng USD và khó từ bỏ đồng tiền này.
Trong khi đó, khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được nắm giữ bằng đồng bạc xanh.
Ông Robert Greene thông tin, tài sản lưu trữ bằng USD của quốc gia này vào năm 2023 cao gấp 15 lần giá trị của Nga vào năm 2019.
Ngân hàng trung ương Nga đã giảm đáng kể tài sản dự trữ ngoại hối bằng đồng USD kể từ năm 2020. Điều này có nghĩa là dự trữ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cao hơn nhiều so với Nga, nếu tính ở thời điểm năm 2023.
Ngoài dự trữ ngoại hối, các tổ chức tài chính nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đều có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính Mỹ.
USD vẫn là "vua"
Tóm lại, theo ông Robert Greene, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể theo bước Nga, chống lại USD. Nhiều khả năng, đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xoay quanh hệ thống tài chính bằng đồng USD trong thời gian tới.
Nhưng nhìn xa hơn, không chỉ Nga hay Trung Quốc mới thấy cần phải chia tay với đồng tiền vua - USD.
Những cuộc thảo luận về phi USD hóa đã trở nên sôi nổi từ những năm 1970. Dù vậy, đồng tiền này vẫn thống trị nhờ vào vị thế là tài sản trú ẩn an toàn.
Ông Michael Zezas, Trưởng bộ phận Nghiên cứu chính sách công của Mỹ tại Morgan Stanley khẳng định chắc nịch: "Về cơ bản, đồng USD thực sự không có đối thủ cạnh tranh nào".