Đường ống Power of Siberia 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. (Nguồn: bne IntelliNews) |
Gần đây, trong một bài báo của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể thay thế Liên minh châu Âu (EU) mua khí đốt của Nga hay không, chuyên gia năng lượng độc lập Sergey Vakulenko, nhà phân tích và tư vấn cho một số công ty dầu khí toàn cầu cho biết: “Xây dựng đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 từ Nga đến Trung Quốc là một quyết định hợp lý, thậm chí có ý nghĩa ngay cả trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, dự án sẽ không bao giờ có thể thay thế được hoạt động buôn bán khí đốt đang suy giảm của Moscow với châu Âu”.
Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), Nga từng bán hơn 150 tỷ m3 khí đốt hằng năm cho các nước phương Tây, thu về khoảng 20–30 tỷ USD tiền thuê tài nguyên mỗi năm. Tiền thuê tài nguyên được tính bằng phần thặng dư còn lại sau khi trừ tổng chi phí cho sản xuất và vận chuyển với tỷ suất lợi nhuận hợp lý.
Tuy nhiên, từ tháng 2/2022, mọi chuyện đã thay đổi. Đường ống dẫn khí đốt từng phát triển mạnh mẽ của tập đoàn nhà nước Gazprom tới châu Âu “khô héo”, buộc Moscow phải tìm kiếm các thị trường thay thế cho nguồn nhiên liệu của mình, đặc biệt là từ khu vực Yamalo-Nenets giàu tài nguyên và phần lớn chưa được khai thác.
Giải pháp thay thế khả thi nhất cho Nga là thị trường Trung Quốc rộng lớn và đang phát triển nhanh chóng. Các cuộc thảo luận về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ bán đảo Yamal của Nga tới quốc gia châu Á này đã diễn ra trong gần hai thập niên, nhưng sự suy giảm hoạt động kinh doanh ở châu Âu của xứ bạch dương cùng với quan hệ địa chính trị đối đầu giữa Moscow và phương Tây đã khiến các cuộc đàm phán đó trở nên cấp bách hơn.
Trước đây, đường ống Power of Siberia 1 (POS1) đã được xây dựng, nhưng hiện nay, Nga cần bổ sung đường ống thứ hai, thậm chí còn lớn hơn đường ống trước, được gọi là Power of Siberia 2 (POS2). Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong nhiều năm nhưng giờ sẽ tăng tốc và có khả năng sớm đạt được thỏa thuận chính thức.
Ít lợi nhuận hơn
Người Trung Quốc đang khá “cứng rắn” trong đàm phán về giá cả với Nga. Trong khi hoạt động kinh doanh khí đốt ở châu Âu của Moscow từng kiếm bội tiền thì POS2 có vẻ như sẽ mang lại ít lợi nhuận hơn nhiều.
Khí đốt của Gazprom từng là nguồn năng lượng chính cho châu Âu, với các tuyến đường ống khác nhau, bao gồm đường dẫn xuyên qua Belarus và Ba Lan, cũng như các đường ống Nord Stream và qua Ukraine. Mỗi tuyến có chi phí và doanh thu khác nhau nhưng lợi nhuận rất đáng kể.
Chuyên gia Vakulenko cho biết, trong năm 2015-2019, Đức - thị trường xuất khẩu năng lượng hàng đầu của Nga tại EU - đã trả trung bình 220 USD/1.000 m3 khí đốt nhập khẩu và thu nhập ròng trung bình của Moscow đạt tới 155 USD/1.000 m3 sau khi trừ chi phí vận chuyển và thuế.
Theo ông Vakulenko: “Chi phí cung cấp khí đốt qua Nord Stream là 65 USD/1.000 m3, so với 85 USD qua Ukraine. Vì Đức trả 220 USD nên lợi nhuận ròng (tức là doanh thu trừ đi chi phí vận chuyển) lần lượt là 155 USD hoặc 135 USD trên 1.000 m3 khí đốt trước khi khấu trừ thuế khai thác khoáng sản (MET) và thuế xuất khẩu. Trong khi đó, giá trung bình của dầu Brent tại thời điểm này là 58 USD/thùng.
Ngược lại, đường ống POS2, vận chuyển khí đốt Nga sang Trung Quốc, có công suất dự kiến 50 tỷ m3 mỗi năm, thấp hơn lượng khí đốt Moscow bán cho phương Tây và đương nhiên, lợi nhuận sẽ thấp hơn.
“Ngay cả khi POS2 được triển khai thành công, nó cũng sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho sự mất mát của Nga ở thị trường châu Âu. Năm 2019, nước này đã bán 165 tỷ m3 khí đốt qua đường ống cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Công suất dự kiến của POS2 nhỏ hơn nhiều, chỉ 50 tỷ m3”, nhà phân tích Vakulenko nói.
Không chỉ giá bán thấp hơn mà chi phí vận chuyển khí đốt trên tuyến đường dài hơn tới Trung Quốc cũng cao hơn, ước tính ở mức 97 USD/1.000 m3.
Trong khi doanh thu trung bình từ việc cung cấp khí đốt đến Trung Quốc dự kiến là 170 USD/1.000 m3, chi phí vận chuyển và tuyến đường dài hơn có thể giảm lợi nhuận ròng xuống chỉ còn 73 USD/1.000 m3.
Chuyên gia Vakulenko nói, con số trên “thấp hơn nhiều so với khoản lợi nhuận ròng 135-155 USD/1.000 m3 từ việc bán hàng sang Đức, nhưng 73 USD/1.000 m3 cũng không phải là tệ và có thể tăng lên 100 USD nếu Gazprom cố gắng giữ cho chi phí vốn xây dựng không vượt quá mức”.
POS2 - Thuận lợi và khó khăn
Ông Vakulenko tính toán: “Sự đồng thuận của các chuyên gia về tổng chi phí sản xuất khí đốt tại các mỏ Yamal dao động từ 15 đến 25 USD/1.000 m3, không bao gồm MET và thuế. Giá bán cho người tiêu dùng công nghiệp ở các khu vực sản xuất khí đốt khoảng 40 USD, đã bao gồm tất cả các loại thuế.
Kết hợp những tính toán này với các thông số của POS2 cho thấy, dự án có thể mang lại tiền thuê từ 2,5 tỷ USD đến 4,3 tỷ USD mỗi năm. Con số này khác xa so với khoản 20 tỷ USD/năm Moscow bị mất ở thị trường châu Âu, nhưng vẫn là một khoản thu đáng kể”.
Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), Nga từng bán hơn 150 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho các nước phương Tây. (Nguồn: AFP) |
Thỏa thuận POS2 với Trung Quốc cũng mang lại lợi nhuận cho ngân sách Nga. Nếu MET và thuế xuất khẩu được đánh vào các giao dịch bán này ở mức tiêu chuẩn (lần lượt là 15% và 30%), thì Moscow sẽ nhận được 76,5 USD/1.000 m3 khí đốt xuất khẩu. Điều này có thể khiến Gazprom thiệt thòi sau chi phí vận chuyển, nhưng chính phủ thường đưa ra các chính sách giảm thuế cho các dự án như vậy, bao gồm POS1.
POS2 có vẻ có lợi thế khi so sánh với các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chi phí hóa lỏng tại Yamal LNG gần bằng mức trung bình của các dự án tương tự và đắt hơn các nhà máy của Mỹ và Qatar. Ngay cả khi không tính đến chi phí vận chuyển LNG, chi phí đường ống cũng gần bằng phương án LNG.
Dự án POS2 cũng có lợi thế là sản phẩm được sản xuất hoàn toàn tại Nga, khi nước này bị cắt đứt với phương Tây và điều đó có thể khiến việc xây dựng có thể rẻ hơn POS1. 1.500km đầu tiên của POS2 có thể đi dọc tuyến đường ống hiện có đến Tomsk và Kuzbass, sau đó theo đường sắt xuyên Siberia đến biên giới Mông Cổ, rồi tiếp tục nối với đường sắt đến Bắc Kinh.
Đường ống này sẽ được các công ty Nga xây dựng bằng cách sử dụng thép sản xuất tại các nhà máy trong nước, do đó, chi phí sẽ giảm hơn. Nếu tính đến điều này, việc xây dựng POS2 có thể hoàn thành sau 5-6 năm và có thể đi vào hoạt động sớm, tiếp quản lượng khí nhàn rỗi đã từng chảy sang châu Âu.
Tuy nhiên, Gazprom cũng gặp thách thức không nhỏ. Ông Vakulenko nói: “Gazprom không có lựa chọn thay thế hợp lý nào cho công thức chốt giá mà họ đã đồng ý cho POS1 vào năm 2014. Trên thực tế, có rất ít cơ hội thuyết phục Bắc Kinh rằng lần này giá sẽ cao hơn”.
Trung Quốc có nhiều lựa chọn nguồn cung chứ không chỉ có Nga. Bắc Kinh cũng mua khí đốt từ Turkmenistan và Kazakhstan. Ngoài ra, thị trường LNG đang phát triển nhanh chóng, mang lại cho nền kinh tế số 2 thế giới thêm những nguồn cung thay thế khác, trong khi cả Mỹ và Qatar đều đang nhanh chóng mở rộng sản xuất LNG.
Với nhiều nhà cung cấp, Trung Quốc dự kiến sẽ tận dụng tối đa lợi thế của mình để hạ mức giá Gazprom xuống mức thấp nhất và có khả năng sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán cho đến năm 2025–2026 khi các nhà máy LNG mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động ở cả Mỹ và Qatar.
Điều có lợi cho Gazprom là trong khi Bắc Kinh có lựa chọn mua khí đốt từ Turkmenistan, ưu tiên của nền kinh tế số 1 châu Á là đa dạng hóa nguồn cung cấp để tăng cường an ninh năng lượng. Dự báo, phát triển năng lượng của Trung Quốc dựa trên nhu cầu khí đốt tiếp tục tăng ít nhất đến năm 2040 và duy trì ổn định trong ít nhất một thập niên tiếp theo.
Việc vận chuyển khí đốt bằng đường bộ từ nước Nga sẽ là một điểm cộng cho an ninh năng lượng của Trung Quốc và điều này sẽ gây ấn tượng với Bắc Kinh vì tuyến đường này có thể đóng vai trò quan trọng nếu các lệnh trừng phạt hoặc xung đột thương mại của Mỹ làm gián đoạn việc vận chuyển LNG trên biển.
Nhưng ngay cả khi dự án được tiến hành, không giống như các đường ống dẫn khí đốt ban đầu của Liên Xô tới châu Âu, quá trình chuyển đổi xanh có nghĩa là hoạt động kinh doanh khí đốt có thời gian phát triển hạn chế vì nhiên liệu hóa thạch cuối cùng sẽ bị loại bỏ.
Chuyên gia Vakulenko kết luận: “Sự khác biệt cơ bản giữa hiện nay và những năm 1960-1980 là vào thời điểm đó, triển vọng phát triển thị trường khí đốt châu Âu dường như không giới hạn. Không có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu khí đốt sẽ giảm và thực sự, thương mại khí đốt Nga-châu Âu đã vượt quá mọi tính toán thời Liên Xô.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động buôn bán khí đốt giữa Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ kết thúc vào khoảng năm 2060 hoặc thậm chí sớm hơn do quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Mọi hy vọng về đẩy mạnh sự hợp tác này (bằng cách tăng khối lượng cung cấp, gia hạn hợp đồng…) đều dẫn đến đánh cược rủi ro rằng quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ không diễn ra như kế hoạch. Rất có thể, trong vòng vài thập niên nữa, POS2 sẽ trở nên lỗi thời”.