Trong một bài phát biểu mới đây, ông Biden nói rằng, “Trung Quốc đã đầu tư mạnh hơn chúng ta rất nhiều, vì kế hoạch của họ là nắm bắt được tương lai”.
Còn Giáo sư Paul Krugman, người đã giành giải Nobel về Kinh tế năm 2008 nhận định, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ đang ghi dấu ấn trong việc đưa các sáng kiến kinh tế của mình vào một thế cờ chủ động, khởi đầu là kế hoạch giải cứu người Mỹ, kế đến là việc làm và kế hoạch sản xuất tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ghi dấu ấn trong việc đưa các sáng kiến kinh tế vào một thế cờ chủ động. |
Bidenomics = Đầu tư công quy mô lớn + Tăng thuế
Chưa đầy một tháng sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn đạo luật kích cầu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 3.000 tỷ USD, có thể khiến chi tiêu công thành một trụ cột tăng trưởng trong thập kỷ tới. Với kế hoạch đầu tư hạ tầng có thời hạn 10 năm này, Washington sẽ nhận lấy vai trò mới trong hàng loạt lĩnh vực, từ trạm xạc ôtô điện cho tới viện dưỡng lão, thúc đẩy giáo dục, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, kế hoạch đầu tư hạ tầng mà ông Biden đề xuất đánh dấu một bước ngoặt lớn về chính sách kinh tế Mỹ. Khi chính phủ đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng, khác hẳn với quan niệm lâu nay rằng, khu vực công kém hiệu quả, nên tư nhân và thị trường mới là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng.
Nhiều mục tiêu trong kế hoạch hạ tầng của ông Biden dễ được lòng cử tri Mỹ, nhưng vấn đề lại được đặt ra vào lúc nợ chính phủ liên bang đã ở mức cao nhất kể từ Thế chiến II. Trong tài khóa gần nhất, nợ chính phủ liên bang Mỹ đã tương đương 100% GDP lần đầu tiên kể từ năm 1946 và vẫn đang gia tăng.
Bidenomics được khái quát bằng đầu tư công quy mô lớn và được chi trả bằng đánh thuế lũy tiến cao vào giới nhà giàu. |
Bidenomics được khái quát bằng đầu tư công quy mô lớn và được chi trả bằng đánh thuế lũy tiến cao vào giới nhà giàu. Một phân tích của Tax Policy Center cho rằng, kế hoạch tăng thuế của ông Biden có thể thu về 2.100 tỷ USD trong vòng một thập niên. Việc tăng thuế luôn phải đi đôi với vận động sự ủng hộ của cử tri và là một biện pháp có nhiều rủi ro chính trị. Bởi vậy, kể từ chương trình tăng thuế quy mô lớn của Tổng thống Clinton vào năm 1993 đến nay, Mỹ chưa có một đợt tăng thuế nào khác tương tự.
Chủ trương kinh tế của ông Biden hoàn toàn ngược lại với những gì mà cựu Tổng thống Trump theo đuổi. Theo quan điểm của một nhà kinh doanh, ông Trump xem việc giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát là cách để thúc đẩy sự thịnh vượng, ông Biden làm ngược lại, khi triển khai tăng thuế và siết chặt các quy chế.
Sự bùng nổ mới của Mỹ?
Oxford Economics dự đoán Mỹ sẽ trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2005. Gói chi tiêu của chính quyền ông Biden cùng với lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thúc đẩy sự bùng nổ mới ở Mỹ và hỗ trợ các nước khác, nơi các chính phủ không phản ứng kịp thời với đại dịch.
Bằng chứng mới về tình hình tốt lên của Mỹ là khi có thêm 916.000 việc làm mới trong tháng 3/2021 và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất sau suy thoái là 6%. Bảng đánh giá hoạt động sản xuất cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/1983.
Lợi thế của Mỹ còn nhờ việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cộng với chi tiêu hào phóng. Tính đến cuối tháng Ba, Mỹ đã tiêm chủng cho một tỷ lệ dân số lớn hơn gấp đôi so với Liên minh châu Âu, nơi kinh tế vẫn đình trệ với các biện pháp hạn chế tiếp xúc và số ca nhiễm tăng cao.
Vai trò của Mỹ trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu năm nay trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Trung Quốc tung ra một chương trình kích thích lớn tài trợ cho các tuyến đường sắt mới, sân bay, đường sá và các chương trình nhà ở xã hội. Sự bùng nổ xây dựng của Trung Quốc đã bơm tiền vào các nước sản xuất hàng hóa, giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lợi thế của Mỹ còn nhờ việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cộng với chi tiêu hào phóng. Tính đến cuối tháng Ba, Mỹ đã tiêm chủng cho một tỷ lệ dân số lớn hơn gấp đôi so với Liên minh châu Âu, nơi kinh tế vẫn đình trệ với các biện pháp hạn chế tiếp xúc và số ca nhiễm tăng cao. |
Lần này, nhận được các khoản kích thích từ chính phủ, người Mỹ thoải mái chi tiêu. Nhờ gói kích cầu năm ngoái, họ đã tích lũy được khoảng 1.700 tỷ USD để chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Ngay cả khi hàng triệu người bị thiệt hại trong năm qua, tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm 18.000 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng tăng cường mua phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc và máy móc công nghiệp, được vận chuyển đến từ cảng Rotterdam (Hà Lan) sầm uất. Không chỉ vậy, lãi suất gần bằng 0% của Fed, được thiết kế để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua việc đi vay rẻ hơn, mang lại lợi ích cho các tập đoàn nước ngoài, cùng với các tập đoàn Mỹ.
Tuy nhiên, sự phục hồi quá nhanh luôn đi kèm những bất ổn cho chính nền kinh tế Mỹ và một phần của thế giới. Việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ, tìm cách hưởng lợi từ nền kinh tế đang phát triển mạnh, đã khiến USD tăng giá khoảng 10% so với Euro và gần 8% so với Yen.
Đồng USD tăng giá giống như một đợt giảm giá với hàng hóa châu Âu và Nhật Bản. Nhưng nó đã làm cho các sản phẩm của Mỹ trở nên đắt hơn với khách hàng ở thị trường nước ngoài, làm giảm giá trị xuất khẩu của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại tăng cao.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự báo, thước đo cán cân thương mại, tức thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay ở mức 4,4% GDP. Đó sẽ là mức cao nhất trong 15 năm và gấp đôi năm 2019. Kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng làm tăng lãi suất dài hạn, khi các nhà đầu tư đặt cược vào tăng trưởng hoặc lo lắng về lạm phát. Nếu lãi suất dài hạn của Mỹ tăng mạnh, do các nhà đầu tư lo sợ lạm phát hoặc Fed buộc phải hạ nhiệt nền kinh tế, hậu quả không mong muốn có thể rất thảm khốc với các quốc gia đang phát triển mà đang mắc nợ.