Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Việt Nam như Mỹ, Canada, Mexico, New Zealand, Malaysia và Peru; Lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và đặc biệt là các diễn giả uy tín trong và ngoài nước. Hội thảo cũng nhận được nhiều bài trình bày, tham luận có chất lượng cao của các nhà nghiên cứu, quản lý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và các trường đại học, viện nghiên cứu.
Theo đó, Hội thảo đã tập trung: (i) đánh giá tổng quan về tác động của TPP đối với Việt Nam và đi sâu phân tích các cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi TPP có hiệu lực; (ii) đánh giá vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam từ góc nhìn của chuyên gia trong và ngoài nước; (iii) các định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào trong tiến trình hội nhập; và thông qua những trao đổi, thảo luận để có thể đề ra các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội, vượt qua thách thức, đồng thời rút ra một số kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế một cách tự tin và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh doanh nghiệp được Chính phủ xác định là động lực phát triển, Hội thảo đã tạo nên sự khác biệt bởi nội dung thiết thực, hữu ích, vừa chuyên sâu vào một số lĩnh vực ngành nghề chịu nhiều tác động từ TPP, vừa đa dạng về góc nhìn từ các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Diễn giả gồm những chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia của các Hiệp hội ngành nghề, định chế tài chính và doanh nghiệp trong và ngoài nước - là khách hàng hiện tại hoặc tiềm năng của BIDV.
TS. Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2018, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn. Theo đó, các định chế tài chính lớn như BIDV sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc cung ứng các sản phẩm - dịch vụ mang tính hội nhập cao như tín dụng, tài trợ xuất nhập khẩu, thuê mua tài chính, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm, chứng khoán và phái sinh chứng khoán và hàng hóa…