Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh được khán giả yêu nghệ thuật, các nhà phê bình và phân tích chuyên môn biết đến với nhiều tác phẩm múa đương đại có chất lượng cao.
Trở về quê nhà lần này, nghệ sĩ đang làm việc tại Hong Kong (Trung Quốc) đã giới thiệu tới công chúng trong nước một tác phẩm mới với sự kết hợp hài hòa giữa múa ballet phương Tây và tranh dân gian Đông Hồ...
Khát khao hội nhập
Nguyễn Ngọc Anh thi và trúng tuyển chuyên ngành ballet của Trường Trung học Múa Việt Nam (nay là Trường Cao đẳng Múa Việt Nam) tại Hà Nội khi mới 11 tuổi.
Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh trong một tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: NVCC) |
Tốt nghiệp vào tháng 6/1998, anh nhận được học bổng của Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hong Kong (Hong Kong Academy for performing arts) và học bổng của Nhà hát Conservatoire de Lyon (Pháp).
Quyết định sang Hong Kong rèn luyện, Ngọc Anh theo học hai năm khóa ballet, rồi thêm hai năm nữa theo học nhảy hiện đại. Tại đây, trường học có tour lưu diễn trước kỳ nghỉ Hè, trong đó tour diễn châu Âu năm 2002 đã giúp anh trúng tuyển đoàn ballet Les Ballets Persans tại Thụy Điển.
Năm 2003, chàng trai Việt tiếp tục khăn gói sang London thi tuyển cho một công ty biểu diễn có tên tuổi WayneMcGregor/RandomDance. Trong 800 diễn viên dự tuyển, anh là một trong ba người được ký hợp đồng.
Với những kinh nghiệm trong nghề, nỗ lực của Ngọc Anh dần được công nhận với những giải thưởng của các nhà chuyên môn, phê bình nghệ thuật quốc tế.
Năm 2008, anh đã đoạt giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc hạng mục múa đương đại của Giải thưởng múa quốc gia Anh do các nhà phê bình, nhà báo đề cử và bỏ phiếu.
Không quên giá trị cội nguồn
Tại cuộc thi The Place Prize năm 2006 - cuộc thi biên đạo lớn nhất châu Âu với hơn 200 biên đạo múa thi tuyển, Nguyễn Ngọc Anh đã lọt vào top 20 biên đạo xuất sắc nhất để vào vòng thi cuối cùng.
Điều đặc biệt, anh đã mang đến cuộc thi này tác phẩm Cham’s soul (Linh hồn của Champa) dựa trên ý tưởng về các bức tượng Champa ở Việt Nam. Niềm say mê sáng tạo với chất liệu từ quê hương tiếp tục dẫn lỗi anh đến với tranh dân gian Đông Hồ.
Nguyễn Ngọc Anh cho biết, với những giá trị mang tính văn hoá độc đáo, tranh Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo và ấn tượng trong nhiều lĩnh vực như thời trang, hội họa, âm nhạc...
Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, tranh Đông Hồ hiếm khi được sử dụng làm chất liệu để sáng tạo qua các hình thức nghệ thuật như múa đương đại, ballet, âm nhạc cổ điển...
Đây cũng chính là lý do khiến anh mang ý tưởng vẽ tranh Đông Hồ bằng vũ điệu uyển chuyển của đôi giày mũi cứng qua chuyển động mềm mại, thanh thoát và quý phái của các nghệ sỹ Ballet.
Vở diễn thú vị này đã được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 2 vừa qua. Tại đây, các bức tranh như “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Vinh quy bái tổ”, “Lý ngư vọng nguyệt”… được vẽ bằng vũ điệu Ballet cổ điển thế giới.
Bên cạnh đó, Đông Hồ còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua Bốn mùa - New For Seasons do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của nhà soạn nhạc tài năng Antonio Vivaldi.
Dành nhiều tâm huyết để sáng tạo và dàn dựng, Ngọc Anh muốn thể hiện những cảm nhận của bản thân về nghệ thuật hội họa của tranh Đông Hồ.
Anh chia sẻ: “Tôi lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ rồi nghệ thuật hoá theo hướng ballet và cho nó một hơi thở mới, một tinh thần đương đại. Tôi không tuân thủ một cốt truyện kiểu sân khấu truyền thống mà sử dụng yếu tố dân gian như một chất liệu”.
Qua đây, Ngọc Anh muốn mang đến cho Đông Hồ một nét vẽ mới, không chỉ là những thiết kế trang phục mà còn tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet.
Hướng về trường dạy múa ở Việt Nam
Hiện tại, Ngọc Anh đang công tác và làm việc tại Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Hong Kong. Ngoài công việc chuyên môn, anh cũng dành thời gian và tâm huyết cho ngôi trường múa bé nhỏ mang tên Alpha School of Dance ở Hong Kong để dạy ballet cho trẻ em từ 3 tuổi, bên cạnh các môn nghệ thuật khác.
Từ năm 2010, Ngọc Anh cũng dành nhiều thời gian về Việt Nam, để thực hiện các buổi biểu diễn phục vụ công chúng trong nước. Điều anh thấy vui mừng là lượng công chúng nghệ thuật đương đại của Việt Nam đang lớn dần lên, thậm chí họ còn sẵn sàng tới Thái Lan, Singpapore và Hong Kong để xem anh biểu diễn.
Dù bận đi diễn nhưng anh vẫn dành thời gian cho công việc biên đạo và giảng dạy và hi vọng sẽ có điều kiện mở một trường múa ở Việt Nam trong tương lai gần.
Cảnh trong tác phẩm Đông Hồ của biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh. (Nguồn: VNOB) |
Anh tâm sự: “Tôi muốn mang những kinh nghiệm và niềm đam mê nghệ thuật của mình về đóng góp cho nghệ thuật ở châu Á nói chung, đặc biệt ở quê hương mình. Tôi sử dụng các yếu tố châu Á như một dạng chất liệu, để chuyển tải thông điệp.
Mặt khác, dù sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt, vẫn muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”.
Nguyễn Ngọc Anh sinh tại Hà Nội, từng làm diễn viên cho Nhà hát Opera Việt Nam, Công ty Hong Kong - New York Dance, Les ballet Persans, Wayne McGregor/Random Dance, Nhà hát Phoenix Dance Theatre, Trợ lý Giám đốc cho công ty múa Henri Oguike. Ngoài ra, anh cũng tham gia giảng dạy ở các trường nổi tiếng ở London như London Contemporary Dance school, Laban, Central school of ballet, Bird College. Hiện tại, anh là giảng viên chính quy ở Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hong Kong. |