Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao, mưa bão, lũ lụt, cho đến các thiên tai có khả năng gây tàn phá quy mô lớn như động đất, sóng thần, hạn hán… Tất cả góp phần gây nên hậu quả là tình trạng thiếu lương thực và hàng loạt dịch bệnh ở con người và vật nuôi.
Theo các nhà khoa học, chính con người với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày là một trong những nguyên nhân chính đang gây ra sự nóng lên toàn cầu và gây ra hiệu ứng nhà kính.
Những bức ảnh dưới đây sẽ phần nào khiến người xem cảm nhận thấy biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều tác động như thế nào đến các khu vực trên toàn thế giới.
Trước đây, rạn san hô Great Barrier tuyệt đẹp trải dài 2.600km ngoài khơi bờ biển của Australia được coi là một trong những vùng sinh quyển đa dạng nhất thế giới. Nó được tạo thành từ khoảng 3.000 rạn san hô nhỏ, 900 hòn đảo, nơi cư trú của hàng tỷ sinh vật sống cỡ nhỏ. (Nguồn: CNN) |
Tuy nhiên, Di sản Thiên nhiên thế giới này hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng bởi sự nóng lên của Trái Đất. Môi trường axit hóa đại dương và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với các rạn san hô nơi đây. (Nguồn: AFP) |
Thị trấn Whitby Harbor ở miền Bắc nước Anh trước kia từng là một thị trấn đông vui, tấp nập với nghề đánh bắt cá, tàu thuyền qua lại, người mua bán và khách du lịch. (Nguồn: Mirror) |
Ngày nay, khu cảng này trở nên hoang vu, lưới và thuyền đánh cá bỏ không. Nguyên nhân của sự hoang tàn này là do các loài cá đã di cư tới sinh sống ở các khu vực khác. Giờ đây, chỉ còn khoảng 200 ngư dân còn bám trụ lại Whitby mà thôi. (Nguồn: Mirror) |
Một khúc của sông Danube - dòng sông dài thứ hai châu Âu, bắt nguồn từ Đức chảy theo hướng Đông đến Biển Đen ở Romania. Đây là một trong những cửa ngõ quan trọng trong việc giao thương, công nghiệp tàu biển (Nguồn: Romania Tourism) |
Do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, một đợt hạn hán kéo dài xảy ra vào năm 2011 - 2012 đã khiến mực nước sông Danube xuống thấp kỷ lục. Điều này khiến cho tàu thuyền ở đây bị mắc cạn và khu vực đường thủy vốn đông đúc trở nên tê liệt. (Nguồn: AP) |
Hồ Chad ở châu Phi từng là hồ lớn thứ 6 trên thế giới, cung cấp nước cho ít nhất 20 triệu người ở Nigeria, Chad, Cameroon và Niger. (Nguồn: Timeout) |
Ngày nay, hồ Chad đã mất khoảng 80% diện tích bề mặt. Đây là hệ quả của sự tác động kết hợp từ hệ thống thủy lợi, xây đập trên các dòng sông và sự nóng lên toàn cầu. (Nguồn: Telegraph) |
Đây là hình ảnh Vườn quốc gia Rocky Mountain trước đây - những cây thông xanh tốt, vươn cao, trải dài hàng chục triệu mét vuông ở vùng Tây Bắc nước Mỹ và phía Tây Canada. (Nguồn: Reuters) |
Đây là một góc Vườn quốc gia Rocky Mountain ngày nay: Một bên sườn đồi, vạt thông đã chết do bị sâu bọ xâm hại. Cây cối cũng trở nên xác xơ hơn. Theo các nhà khoa học, chính vì nền nhiệt ấm lên đã khiến các loài côn trùng phát triển mạnh và ra sức tàn phá rừng thông nơi đây. (Nguồn: Mard) |