Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân châu Phi. (Nguồn: reliefweb) |
Báo cáo công bố hôm 9/9 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng khi nhiệt độ Trái đất ấm lên. Giới chức và các nhà hoạt động môi trường tại châu lục nhấn mạnh vấn đề "tổn thất và thiệt hại của châu Phi cần phải được giải quyết".
Báo cáo của WMO cho biết các quốc đảo và quốc gia ven biển của châu Phi, với 116 triệu người sinh sống, sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng, với thiệt hại ước vào khoảng 50 tỷ USD vào năm 2050.
Tình trạng hạn hán trong 50 năm qua ở vùng Sừng châu Phi và miền Nam châu Phi, vốn ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, với thiệt hại ước lên tới 70 tỷ USD.
Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người.
Những phát hiện trong báo cáo của WMO đã dấy lên những lời kêu gọi mới yêu cầu bồi thường cho châu Phi, bởi nhiều người cho rằng các quốc gia giàu có phát thải nhiều khí thải nhà kính cần phải chịu trách nhiệm về những thảm họa khí hậu, được gọi là "tổn thất và thiệt hại" trong các cuộc đàm phán về khí hậu.
Giám đốc bộ phận môi trường bền vững tại Liên minh châu Phi (AU), ông Harsen Nyambe nói rằng: "Vấn đề tổn thất và thiệt hại của châu Phi cần phải được giải quyết. Song, các nước phát triển đang lo ngại vì vấn đề gây tranh cãi này có những tác động nghiêm trọng về tài chính".
Các cuộc đàm phán về tổn thất và thiệt hại là một điểm mấu chốt tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) trong năm ngoái và vấn đề này dự kiến tiếp tục được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El Sheikh vào tháng 11 năm nay.
Các quốc gia châu Phi dự kiến cùng các quốc gia đang phát triển khác từ châu Á, khu vực Caribe, châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương tham gia COP27. Các quốc gia này đã tập hợp trong Diễn đàn dễ bị tổn thương do khí hậu (CVF) để giải quyết vấn đề thiệt hại và tìm kiếm bồi thường.
CVF - hiện do Ghana làm chủ tịch - được thành lập vào năm 2009, quy tụ 48 quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Với tổng dân số 1,2 tỷ người, CVF chỉ chiếm 5% lượng phát thải toàn cầu.
Nhà hoạt động khí hậu người Kenya, ông Elizabeth Wathuti cho rằng châu Phi đang phải hứng chịu những tổn thất về người và sinh kế do bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Ngoài hạn hán và lũ lụt, châu Phi còn hứng chịu nhiệt độ khắc nghiệt, lốc xoáy và bão cát. Biến đổi khí hậu khiến đất đai bị thoái hóa, gây mất đa dạng sinh học.
Theo ông Wathuti, các quốc gia dễ bị tổn thương không có khả năng tài chính để thích ứng với những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, do đó tài chính khí hậu trở thành một vấn đề công lý toàn cầu.
| Tăng cường hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đà phát triển tốt đẹp Việt Nam và Hoa Kỳ Đặc phái viên John Kerry khẳng định thời gian tới Hoa Kỳ sẽ tăng cường trao đổi và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam ... |
| Hợp tác quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vửa phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ ... |
| Đông Nam Á cần nỗ lực ứng phó tác động của biến đổi khí hậu với an ninh lương thực Các quốc gia ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trong vài năm qua, ... |
| Thúc đẩy, bảo đảm quyền các nhóm dễ bị tổn thương trong ứng phó với biến đổi khí hậu Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ... |
| Tiếp tục thúc đẩy đầu tư Thái Lan vào Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 Ngày 26/7, Đại sứ Phan Chí Thành tham dự và phát biểu tại sự kiện gặp gỡ đoàn doanh nghiệp Thái Lan chuẩn bị vào ... |