Đây là cảnh báo chung của một nhóm gồm 81 nhà khoa học quốc tế được đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường số ra ngày 12/12, theo đó kêu gọi khẩn cấp áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát và giảm lượng phát thải loại khí này.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên, sau mức tăng chậm từ năm 2000-2006, nồng độ khí CH4 trong không khí đã tăng nhanh gấp 10 lần trong thập kỷ qua. Đặc biệt, lượng khí này đã tăng nhanh vượt dự đoán trong các năm 2014 và 2015. Các nhà nghiên cứu khí hậu hàng đầu cảnh báo mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C - vốn đã được 196 quốc gia thống nhất đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu - thực sự là một "thách thức lớn" nếu việc giảm lượng phát thải khí methane không được quan tâm xác đáng và tiến hành nhanh chóng.
Lượng khí methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính tăng mạnh trong một thập kỷ qua. (Nguồn: AAAS) |
Theo ghi nhận, chỉ với mức tăng 1 độ C so với mức nhiệt thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới đã phải chứng kiến sự gia tăng một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm hạn hán, siêu bão, các bức sóng nhiệt và ngập lụt nghiêm trọng do mực nước biển tăng cao. Theo tính toán, cứ theo xu hướng hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 3 độ C vào năm 2100, bất chấp việc các quốc gia nỗ lực thực hiện các cam kết nhằm cắt giảm khí carbon dioxide (CO2) đã đề ra trong Hiệp định Paris. Tuy nhiên, rõ ràng nếu không có những cam kết quan trọng này, mức tăng nhiệt độ chắc chắn còn cao hơn rất nhiều.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cho đến nay, các nỗ lực nhằm giảm mức tăng nhiệt của Trái Đất chủ yếu vẫn tập trung vào việc giảm lượng khí CO2 phát thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người - vốn là nguyên nhân dẫn tới 70% mức tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả khi lượng phát thải khí CO2 đã nằm trong ngưỡng tăng "ổn định", thì lượng khí CH4 - thủ phạm gây ra 20% mức tăng nhiệt độ toàn cầu, lại "nhảy vọt" và khó kiểm soát.
Theo các nhà nghiên cứu, khí CH4 có khả năng hấp thụ nhiệt rất mạnh từ Mặt Trời, do đó khi lượng khí này tăng cao trong bầu khí quyển, nhiệt độ Trái Đất theo đó sẽ tăng nhanh. Ngày nay, khoảng 60% lượng khí CH4 bắt nguồn từ các hoạt động của con người, phần còn lại phát thải từ các đầm lầy và các nguồn tự nhiên khác. Khoảng 1/3 lượng khí CH4 do con người tạo ra chủ yếu là từ hoạt động đốt các nhiên liệu hóa thạch. Hiện Mỹ và Trung Quốc được coi là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới "đóng góp" lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất từ hoạt động đốt than và sản xuất khí đốt.