Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và EuroCham, ngày 25/11/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thưa Cục trưởng, những biến động chưa từng có trong giai đoạn hiện nay đã tác động thế nào đến công tác đối ngoại địa phương?
Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của cuộc sống, làm thay đổi những thói quen vốn có, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Công tác đối ngoại địa phương không phải là một ngoại lệ, cũng chịu tác động mạnh. Một trong những sứ mệnh của công tác đối ngoại địa phương là “kết nối”, với chuỗi sự kiện gắn kết địa phương, doanh nghiệp ta với bạn bè, đối tác nước ngoài. Trên thực tế, chuỗi kết nối đó ban đầu cũng chịu những đứt gãy.
Bước vào năm 2021, Cục Ngoại vụ như thông lệ, với hành trang là một Kế hoạch tổng thể các hoạt động để sẵn sàng phối hợp tổ chức xuyên suốt trong năm. Rất tiếc, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Chỉ một vài hoạt động như Hội nghị tập huấn về công tác ngoại vụ địa phương (Bình Định, từ ngày 15-16/4), Diễn đàn Nhịp cầu phát triển (Hà Nội, ngày 26/4), Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) và một số doanh nghiệp thành viên thăm làm việc tại tỉnh Thái Bình (ngày 28/4)… được phối hợp tổ chức theo đúng kế hoạch. Phần lớn các hoạt động khác đều phải hoãn, hủy hoặc điều chỉnh để phù hợp với tình hình.
Theo ông, việc thích nghi kịp thời của Cục vừa qua đã mang lại những kết quả như thế nào?
Dịch bệnh chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Nhằm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động, thích ứng là đòi hỏi tất yếu, linh hoạt điều chỉnh là cần thiết để vượt qua những đứt gãy, khôi phục chuỗi kết nối. Trên tinh thần đó, kế hoạch tổng thể các hoạt động đã được điều chỉnh kịp thời cả về quy mô, địa điểm và cách thức tổ chức, được phối hợp chuẩn bị công phu và tổ chức đạt kết quả thành công. Điển hình là Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, với chủ đề “Phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”, với sự tham gia của các bộ, ngành chức năng, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức nước ngoài và nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp (ngày 16/9).
Tiếp đến là các sự kiện “Kết nối Hàn Quốc - Quảng Bình” (ngày 15/10), “Kết nối các địa phương Việt Nam với các địa phương Liên bang Nga” (ngày 27/10), “Gặp gỡ Hoa Kỳ: Chung tay tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam” (ngày 23/11), “Gặp gỡ châu Âu: Đối tác Việt Nam - châu Âu hậu Covid-19 và Công bố Sách trắng EuroCham 2021” (ngày 25/11), Hội thảo trực tuyến kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Australia trên ba lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và viễn thông (ngày 2/12)…
Công tác đối ngoại địa phương được đổi mới cả về nội dung và hình thức cũng như phương thức hoạt động. Về nội dung, tính thiết thực, hiệu quả được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đòi hỏi càng phải căn cơ. Về hình thức, kết hợp hài hòa các hoạt động ở quy mô lớn, vừa và nhỏ, phù hợp với từng nhóm đối tượng, khu vực, ngành, lĩnh vực. |
Để vượt qua các thách thức trong giai đoạn bình thường mới, công tác đối ngoại địa phương đã có những đổi mới như thế nào?
Công tác đối ngoại địa phương được đổi mới cả về nội dung và hình thức cũng như phương thức hoạt động.
Về nội dung, tính thiết thực, hiệu quả được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đòi hỏi càng phải căn cơ. Hoạt động hội nhập, kết nối không chỉ dừng ở số lượng cặp quan hệ “kết nghĩa”, các thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp địa phương mà cần đi kèm kế hoạch triển khai cụ thể. Thúc đẩy hợp tác đầu tư, xúc tiến kinh tế đối ngoại luôn là trọng tâm ưu tiên và theo đúng phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, đáp ứng “trúng” nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng tham mưu, tư vấn cho các địa phương để bắt kịp những xu hướng phát triển lớn của thế giới như kinh tế xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu khí thải, chuyển đổi số… Các lĩnh vực hoạt động khác cũng theo hướng đó.
Về hình thức, kết hợp hài hòa các hoạt động ở quy mô lớn với quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với từng nhóm đối tượng, khu vực, ngành, lĩnh vực.
Về phương thức hoạt động, thay vì thói quen trực tiếp, để thích ứng với tình hình dịch bệnh phải thực hiện giãn cách, chuyển nhanh sang phương thức trực tuyến và kết hợp giữa trực tiếp - trực tuyến.
Xin Cục trưởng cho biết những dự định mà Cục Ngoại vụ sẽ triển khai để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao trong giai đoạn mới?
Không chỉ là dự định mà là hoạt động đặc biệt quan trọng trước mắt đó là Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra vào ngày 13/12/2021 tại Hà Nội, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị lần này có chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”. Đây là dịp để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai công tác đối ngoại địa phương kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 (tháng 8/2018) và thống nhất phương hướng công tác đối ngoại địa phương trong giai đoạn mới. Điểm mới là trong khuôn khổ Hội nghị, Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” và “Triển lãm trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt Nam” sẽ được kết hợp tổ chức. Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 dự kiến sẽ thông qua Định hướng hành động công tác đối ngoại địa phương trong giai đoạn mới là văn kiện khung làm căn cứ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương triển khai trong ba đến năm năm tới.
Đại sứ Trần Thanh Huân phát biểu tại Tọa đàm Kết nối Quảng Bình - Hàn Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xin Cục trưởng chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình Cục Ngoại vụ hợp tác với địa phương trong tình hình mới?
Có lẽ câu chuyện ấn tượng và đáng nhớ nhất trong năm nay là khi phối hợp tổ chức Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam và Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam, bằng hình thức thực tế ảo. Lần đầu tiên Cục Ngoại vụ “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp, lần đầu tiên áp dụng nền tảng công nghệ thực tế ảo và cũng là lần đầu tiên nâng tầm sự kiện thực sự lên tầm quốc gia và quốc tế. Nhưng đúng là “trong nguy có cơ”.
Nhờ có sự hợp tác hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan về chuyên môn, VnExpress về nền tảng công nghệ và đặc biệt, do chủ đề chuyển đổi số nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, biến đổi khí hậu gay gắt, đang rất “nóng”, cho nên sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp.
Gần 1.500 đại biểu tham dự Diễn đàn và hơn 300.000 lượt tham quan Triển lãm. 61/63 tỉnh/thành phố tham dự và đóng góp tại Diễn đàn thông qua mạng lưới 94 Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài, kết nối được với các cơ quan chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp đối tác nước ngoài và mời được các diễn giả là chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp tham dự băng hình thức trực tuyến.
Xin cảm ơn ông!
| Press Corner Đại sứ với Doanh nghiệp: Xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ Triển khai chủ đề "Hoạt động Ngoại giao phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp là trung tâm trong phục hồi và tăng trưởng kinh ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm việc với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk về công tác biên giới Từ ngày 28/11-2/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Minh Vũ đã dẫn đầu đoàn công tác ... |