Giới chức y tế Indonesia chuẩn bị giết bỏ gà ở một khu chợ trên đảo Bali hôm 26/4/2012 sau khi một bé trai 8 tuổi ở đây chết vì virút H5N1 - Ảnh: AP |
Theo nhà nghiên cứu Yoshihiro Kawaoka (ĐH Wisconsin-Madison, Mỹ), sau một quá trình nghiên cứu, họ đã tạo ra bốn biến thể của virút H5N1 trong phòng thí nghiệm. Khi tiêm những biến thể này cho một con chồn sương, họ phát hiện những con chồn khác đều bị bệnh.
Điều này rất đáng lo ngại, vì chồn sương là động vật có vú có cơ chế phản ứng với cúm tương tự như con người. Một khi chồn sương có khả năng nhiễm biến thể virút H5N1 qua đường hô hấp cao như vậy thì con người cũng sẽ tương tự.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Kawaoka đã gây tranh cãi khi công bố họ đã tạo ra được các biến thể của virút H5N1 có thể lây trên người. Nhiều người sau đó đã kêu gọi không nên công bố kết quả nghiên cứu bởi nó có thể bị lợi dụng để khủng bố.
Tuy nhiên Kawaoka và những người ủng hộ nói nghiên cứu của họ giúp cho thấy virút H5N1 - tuy gây chết người nhưng ít lây từ người sang người, có thể gây ra một đại dịch một khi chúng biến thể dễ dàng lây từ người sang người.
Kawaoka lập luận rằng việc xác định những biến thể của virút H5N1 sẽ giúp giới chức y tế giám sát tốt hơn virút này, cũng như có sự chuẩn bị thuốc điều trị và vắcxin kịp lúc.
Virút H5N1 xuất hiện và lan nhanh ở châu Á và Trung Đông từ năm 2003, cướp đi mạng sống của hơn 300 người trên thế giới.
Theo TTO