📞

Biểu tình ở Mỹ: Bộ trưởng Quốc phòng 'đối đầu' Tổng thống Trump, tuyên bố điều tra việc sử dụng trực thăng uy hiếp

Thế Việt 16:42 | 04/06/2020
TGVN. Ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định phản đối việc viện dẫn Luật Chống bạo động, một đạo luật hiếm được áp dụng nhằm triển khai quân đội Mỹ để ứng phó với các cuộc biểu tình bạo loạn trên cả nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phản đối việc viện dẫn Luật Chống bạo động để ứng phó với làn sóng biểu tình ở Mỹ. (Nguồn: CNBC)

Trước đó 2 ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông có thể sẽ viện dẫn Luật Chống bạo động để điều động quân đội dập tắt các cuộc biểu tình có chiều hướng phát triển thành bạo loạn sau vụ công dân Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị một cảnh sát dùng đầu gối ghì cổ trong khoảng 9 phút ở Minneapolis, tiểu bang Minnesota.

Bộ trưởng Esper cho biết: "Tôi không ủng hộ viện dẫn Luật Chống bạo động". Ông cũng bày tỏ hối tiếc khi đã dùng từ "chiến sự" để nói về những khu vực mà người biểu tình đang kiểm soát.

Đạo luật Chống bạo động được thông qua vào năm 1807, cho phép Tổng thống Mỹ có quyền triển khai quân đội trên toàn lãnh thổ. Đạo luật này từng được sử dụng vào năm 1992, khi Thống đốc bang California yêu cầu chính quyền liên bang hỗ trợ để đối phó với các cuộc bạo loạn ở thành phố Los Angeles.

Bộ trưởng Esper cũng cho hay, ông đã ra lệnh điều tra thông tin một chiếc trực thăng do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Washington DC quản lý, mang biểu tượng của Hội Chữ thập Đỏ, uy hiếp và đe dọa người biểu tình ở thủ đô Washington DC.

“Có những thông tin mâu thuẫn. Tôi nghĩ chúng ta cần để quân đội tiến hành điều tra để xem sự thật là gì”, ông đồng thời cho biết thêm, chiếc trực thăng trên không thực hiện nhiệm vụ sơ tán y tế và di chuyển của nó có vẻ không an toàn.

Trước đó, vào tối ngày 1/6, chiếc máy bay trên đã bay rất thấp và ngay ở bên trên những người biểu tình ôn hòa. Chiếc máy bay này đã sử dụng sức gió của cánh quạt thổi vào người biểu tình, một chiến thuật nguy hiểm được quân đội sử dụng trong các tình huống chiến tranh để giải tán đám đông. Hành động trên bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ.

Các cuộc biểu tình trên diện rộng đã xảy ra hơn 1 tuần qua tại nhiều thành phố của Mỹ để phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân Floyd. Các cuộc biểu tình ôn hòa dần biến thành bạo động ở một số nơi, kéo theo tình trạng cướp bóc và phá hoại tài sản, buộc lực lượng an ninh Mỹ phải dùng súng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông quá khích.

Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức, New Zealand, Hà Lan và Ireland.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Rath Hoffman, ngày 2/6, lực lượng quân đội đã được triển khai đồn trú tại các căn cứ quân sự ở vùng Quốc hội, không phải ở thủ đô. Lực lượng được triển khai bao gồm quân cảnh, cùng một số tiểu binh đoàn bộ binh.

Ông Hoffman nhấn mạnh, lực lượng này được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, song không tham gia công tác phòng hộ trước các hoạt động dân sự.

Ngày 1/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi giới chức Mỹ kiềm chế trong ứng phó với các cuộc biểu tình bạo loạn và cho rằng cần điều tra làm rõ những cáo buộc xoay quanh vụ việc trên.

(theo AFP)