Quỹ Bill và Melinda Gates của tỷ phú Bill Gates sẽ cam kết quyên góp 100 triệu USD để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. (Nguồn: The Economic Times) |
Chung tay quyên góp chống dịch bệnh
Tỷ phú Bill Gates tuyên bố rằng, Quỹ Bill và Melinda Gates cam kết quyên góp 100 triệu USD để đối phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra. Số tiền này sẽ được sử dụng để tăng cường nỗ lực phát hiện, cách ly và điều trị, bảo vệ người dân có nguy cơ bị nhiễm virus, đồng thời phát triển vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán dịch bệnh.
Trong khi đó, nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma, người giàu thứ hai ở Trung Quốc, đã cam kết quyên góp 14 triệu USD để giúp phát triển vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Tỷ phú Jack Ma cũng quyên góp thêm 2,15 triệu USD vào việc phát triển vaccine tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Australia.
Mới đây, khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ, nhà sáng lập Alibaba tuyên bố sẽ tặng 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm và một triệu khẩu trang cho quốc gia này đối phó với dịch bệnh.
Trước đó, Tập đoàn Alibaba đã đóng góp 144 triệu USD cho việc mua vật tư y tế để sử dụng ở Vũ Hán - tâm chấn đầu tiên của đại dịch Covid-19.
Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã đóng góp 144 triệu USD cho việc mua vật tư y tế để sử dụng ở Vũ Hán(Nguồn: Forbes) |
Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2, Giám đốc điều hành Airbnb Brian Chesky cũng tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng, Airbnb sẽ cho phép khách hàng trên toàn thế giới hủy đặt phòng mà không mất thêm bất kỳ chi phí nào.
Hay nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty đầu tư Citadel, quỹ phòng hộ quản lý tài sản trị giá gần 30 tỷ USD Ken Griffin tuyên bố, sẽ quyên góp 7,5 triệu USD cho một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 của Trung Quốc.
Eric Yuan, nhà sáng lập công ty hội nghị trực tuyến Zoom cũng đã quyết định cung cấp miễn phí dịch vụ của công ty ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như ở Trung Quốc, Italy và Mỹ.
“Đối với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, đừng tận dụng cơ hội tiếp thị hoặc bán hàng. Hãy tập trung vào khách hàng”, Eric Yuan nói.
Phải tự thích nghi với đại dịch
Một số tỷ phú, doanh nhân nổi tiếng khác đưa ra quan điểm, đại dịch Covid-19 cũng có một mặt sáng.
Như Steve Sarowitz, nhà sáng lập và Chủ tịch công ty công nghệ Paylocity nói rằng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 là bi thảm, nhưng cũng có khía cạnh tích cực. Cụ thể, Covid-19 đã cho thấy khả năng kết nối giữa con người với con người và toàn thế giới phải cùng nhau chiến đấu với nó.
Ngoài ra, theo ông Steve Sarowitz, dịch Covid-19 sẽ khiến các gia đình dành nhiều thời gian ở nhà cùng nhau. “Cá nhân tôi rất vui mừng khi được nghỉ ngơi và có cơ hội dành nhiều thời gian hơn ở nhà với các con”, ông Steve Sarowitz nhấn mạnh.
Tỷ phú Vincent Bollore đưa ra quan điểm rằng, Tập đoàn Bollore của ông sẽ phải tự thích nghi với đại dịch Covid-19. (Nguồn: The New York Times) |
Vincent Bollore, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Bollore của Pháp cho biết, ông không lo lắng về việc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công ty của mình như thế nào. “Tập đoàn Bollore đã hoạt động từ năm 1822, trải qua các cuộc cách mạnh, hai cuộc chiến tranh thế giới... Vì vậy, với đại dịch Covid-19, chúng tôi phải tự thích nghi”, tỷ phú Vincent Bollore nói.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Geolo Capital John Pritzker, hiện đang đầu tư vào 7 khách sạn của Mỹ cho hay, ngành du lịch, khách sạn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
“Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất là hệ thống y tế thế giới có đủ mạnh để xử lý đại dịch này hay không? Thay vì nghĩ đến những hậu quả tồi tệ từ dịch bệnh, tôi tránh xa nơi đông người, giữ gìn vệ sinh và những người xung quanh tôi cũng áp dụng các biện pháp tương tự. Tôi cũng bổ sung vitamin C, A, B3 và thường xuyên tập thể dục”, Giám đốc điều hành của Geolo Capital chia sẻ.
Còn tỷ phú trẻ nhất châu Phi Mohammed Dewji, Giám đốc điều hành của Tập đoàn MeTL của Tanzania cho biết, ông đã hủy tất cả các kế hoạch du lịch theo lịch trình tới châu Âu và Mỹ, hạn chế tiếp xúc với đám đông và hủy bỏ tham dự tất cả các hội nghị, diễn đàn, các cuộc họp ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Phần lớn mối quan tâm chính của tôi với đại dịch Covid-19 là việc làm và cuộc sống của người dân. Tôi thực sự mong rằng, sẽ hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ, cùng nhau triển khai các nguồn lực để có thể thể ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh gây chết người này”, ông Mohammed Dewji nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng chung tay hỗ trợ dịch Covid-19. Ví dụ, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19. Tập đoàn FLC trao tặng 5 tỷ đồng tiền mặt nhằm hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel triển khai cung cấp miễn phí hệ thống mạng xã hội học tập ViettelStudy dành cho toàn bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh... Bên cạnh đó, 70 túi khăn giấy nhu yếu phẩm hỗ trợ các hộ dân đang cách ly vì sống gần nhà một bệnh nhân dương tính với Covid-19 vừa được một doanh nghiệp giấy bàn giao cho phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ một khách sạn đã bố trí riêng một khu phòng nghỉ với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, đạt tiêu chuẩn, dành cho các du khách nước ngoài phải cách ly. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp đã chung tay nhập khẩu lô khẩu trang y tế từ Mỹ với giá trị khoảng 1 triệu USD. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đóng các khoản thuế phí để có trang thiết bị hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên thuộc lực lượng quân đội, công an, y tế và một số cơ quan báo chí cùng người dân vùng khó khăn. |