📞

Bình đẳng giới: Phải được nói trong 365 ngày

17:01 | 10/03/2017
Xã hội hiện đại đã và đang tạo cơ hội để phụ nữ bước ra khỏi thế giới chật hẹp của cái bếp và khẳng định mình trên tất cả các “mặt trận”.

Nhân ngày 8/3, báo TG&VN đã có cuộc trò chuyện với Bà Ngô Thị Thu Hà (Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ - CEPEW).

Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng chắc hẳn vẫn còn nhiều “khoảng trống” trong vấn đề này?

Việt Nam là thành viên của bảy công ước nhân quyền quốc tế và là một trong những nước đầu tiên tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW). Bảy công ước này đều có những nội dung liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và với các nhóm cụ thể như phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử cao trong khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố cần được xem xét trong vấn đề này như nhiều người vẫn chưa hiểu biết đầy đủ, thực chất về bình đẳng giới. Vẫn còn tồn tại định kiến giới trong sách giáo khoa và truyền thông. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại trong gia đình và cộng đồng…

Chị Ngô Thị Thu Hà.

Định kiến giới đã khiến phụ nữ gặp khó khăn khi muốn tham gia vào các “mặt trận”. Phải chăng nhận thức lệch pha, tụt hậu của nam giới về khả năng của nữ giới cũng như sự thiếu ủng hộ của xã hội đã hạn chế sự thành công của phụ nữ, thưa bà?

Tôi không nghĩ nam giới có nhận thức lệch pha, tụt hậu mà cả nam giới và nữ giới cần có nhận thức đẩy đủ về quyền con người. Chúng ta cần tôn trọng sự đa dạng về nhân phẩm của mỗi cá nhân, từ đó biết cách đưa ra các lựa chọn phù hợp với bản thân mình và tôn trọng sự lựa chọn của người khác.

Để làm được điều này, cần thúc đẩy các chương trình giáo dục về nhân quyền như các cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Theo đó, nội dung giảng dạy về quyền con người, về tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng tự do và nhân phẩm của người khác cần được đưa vào các cấp học từ mầm non cho đến đại học, hơn nữa,  cần thực hành các giá trị này hàng ngày, hàng giờ từ cấp độ gia đình cho đến xã hội.

Chúng ta không nên đổ lỗi cho ai dù người đó là nam giới hay phụ nữ mà cần cùng nhau tìm ra hướng đi phù hợp để cùng thực hành các giá trị phổ quát về tôn trọng tự do, nhân phẩm, khoan dung và có bình đẳng thực chất.

Làm sao để phụ nữ cân đối được quỹ thời gian giữa công việc và gia đình, bảo vệ tốt nhất hình ảnh bản thân luôn là niềm trăn trở. Muốn vậy, hẳn phụ nữ cần được bồi dưỡng về kỹ năng “gia cố” và tổ chức gia đình?

Tôi nghĩ cần tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân nếu như lựa chọn đó không xâm phạm đến người khác. Sẽ có những phụ nữ không chọn kết hôn mà chọn công việc, sẽ có những người chọn giỏi công việc bên ngoài hơn giỏi công việc ở nhà hay ngược lại.

Trong xã hội hiện đại, khái niệm gia đình cũng thay đổi. Nhìn từ đây có thể thấy quá trình  biến đổi và thành tựu phát triển của Việt Nam. Gia đình có thể không bao gồm nam và nữ, chồng và vợ, con trai và con gái như cách hiểu truyền thống, mà hơn thế, từ chỗ cấm hôn nhân cùng giới cho đến không cấm, và nỗ lực xóa bỏ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ càng đòi bình đẳng thì càng bận rộn, càng phải “căng” mình phấn đấu. Làm thế nào để phụ nữ được tăng quyền năng nhưng không thêm gánh nặng?

Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, câu chuyện về bình đẳng giới không chỉ được nói trong ngày 8/3 hay 20/10 mà cần phải nói liên tục trong 365 ngày.

Rà soát 10 năm bình đẳng giới ở Việt Nam, tôi luôn đau đáu rằng bây giờ không chỉ là bình đẳng nam nữ, bình đẳng vợ chồng mà còn cần sự bình đẳng giữa các nhóm nam giới với nhau, bình đẳng giữa các nhóm nữ giới với nhau.

Các nước thường có những hoạt động gì để xóa khoảng cách về giới?

Kinh nghiệm đầu tiên phải kể đến là đã có 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã tham gia Công ước CEDAW, trong đó, 10/10 thành viên ASEAN đã phê chuẩn công ước này.

Tiếp đến là việc ban hành các luật về không phân biệt đối xử, Luật Bình đẳng về cơ hội, các chỉ tiêu để thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị, giáo dục, việc làm, y tế.

Các quốc gia cũng sử dụng các công cụ lồng ghép giới hay phân bổ ngân sách có trách nhiệm giới để thúc đẩy bình đẳng giới. Các công cụ này được cả các tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển áp dụng.

Xin cảm ơn bà!

Bà Nguyễn Thị Huyền

(Điều phối viên Quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế):

Phụ nữ hãy nuông chiều bản thân một chút! Có những lý do làm hạn chế thành công của phụ nữ xuất phát từ chính phụ nữ. Họ tự đưa ra các giới hạn cho năng lực bản thân. Bây giờ vẫn có nhiều phụ nữ mang khái niệm “đó là việc của đàn ông”, hay “đàn ông làm tốt hơn” khi nói về một số loại nghề nghiệp và vị trí nhất định.

Hiện nay, ở các công sở chuyên nghiệp thường có các khóa học ngắn hạn hoặc học trực tuyến về việc làm sao để quản lý công việc và thời gian hiệu quả. Có một thực tế rằng, thay vì gồng mình lên mải miết lo cho chồng con, để rồi lúc nào cũng “đầu bù tóc rối”, phụ nữ cần dành nhiều thời gian cho mình hơn nếu muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Có bao nhiêu phụ nữ đã và đang biết “nuông chiều” bản thân một chút trong hiệu làm đẹp hay thư giãn để đọc một cuốn sách yêu thích?

Khi phụ nữ làm chủ bản thân, họ sẽ tự biết cách cân bằng các mối quan hệ và hạnh phúc gia đình. Họ cũng cần phải chia sẻ công việc trong gia đình một cách rõ ràng bởi nền tảng để có bình đẳng giới thực sự phải xuất phát từ chính nhận thức và hành động của những người trong cuộc.