Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc. (Ảnh: PK) |
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Bùi Thị Hòa - Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Chang Hee Lee -Giám đốc ILO tại Việt Nam; bà Elisa Fernandez - Giám đốc UN Women tại Việt Nam; ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
Diễn đàn là nơi quy tụ của trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bình đẳng giới là chủ đề dành được sự quan tâm đặc biệt, được thảo luận tại nhiều nước và các diễn đàn quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, diễn đàn này nhằm thảo luận những vấn đề mới phát sinh, những cơ hội và thách thức, đề xuất và khuyến nghị với các bên tham gia về phương hướng thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập tại Việt Nam.
Các diễn giả tại Hội thảo. (Ảnh: PK) |
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng tới không chỉ ở Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tuyên bố về quyền con người của Liên Hợp Quốc năm 1948 và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, chống lại phụ nữ năm 1979 đã ghi nhận sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ.
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới (năm 2016).
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước. (Ảnh: PK) |
"Tuy vậy, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại mà nguyên nhân căn bản là những định kiến về giá trị, về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ trong xã hội. Kỷ nguyên số và hội nhập với sự ứng dụng rộng rãi các tiến bộ công nghệ đã và đang nhanh chóng giải phóng con người khỏi những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, công việc nặng nhọc, những công việc giản đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ. Kỷ nguyên số đang mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới", bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đào Quang Vinh (Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội) nhận định, bình đẳng giới được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu như một sự cần thiết cho sự phát triển bền vững cho nam giới và phụ nữ, cải thiện mức sống cho tất cả mọi người. Bình đẳng giới có tầm quan trọng sống còn đối với các nền kinh tế, các ngành kinh doanh tạo ra lợi nhuận và hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng, hạnh phúc của con người.
Tuyên bố về Quyền con người của Liên Hợp Quốc, một loạt các Công ước của Liên Hợp Quốc và của Tổ chức Lao động Quốc tế đã ghi nhận sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) đặt ra một khuôn khổ toàn diện tạo điều kiện thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền con người của phụ nữ.
Theo CEDAW, các quốc gia thành viên, bằng mọi biện pháp thích hợp bao gồm cả pháp luật, ngay lập tức phải loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, CEDAW đã đặt ra những nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên phải thực hiện, tình trạng phân biệt đối xử vẫn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực pháp luật. Trong vòng 20 năm trở lại đây, bình đẳng giới đã trở thành mục tiêu chiến lược toàn cầu cần đạt được.