Thực tế chỉ ra rằng, phụ nữ Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản cả trong gia đình, sự nghiệp lẫn xã hội. Muốn thành đạt, trước hết phụ nữ trí thức phải làm tròn trách nhiệm gia đình. Đây có phải là nguồn gốc của bất bình đẳng giới hay không, thưa ông?
Sự cân bằng giữa công việc cơ quan và gia đình sẽ giúp chị em phụ nữ có cuộc sống viên mãn, tìm được nhiều niềm vui hơn. Một gia đình hạnh phúc sẽ là “đòn bẩy” giúp chị em tự tin và tiến thân tốt hơn trong xã hội, nhất là khi có sự ủng hộ của người chồng.
Trong cuộc sống hiện đại, có nhiều cách giúp người phụ nữ làm tròn trách nhiệm gia đình mà không nhất thiết phải làm việc quần quật sau giờ công sở. Vấn đề quan trọng chính là cách thức, biện pháp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Lẽ đương nhiên, vấn đề còn ở luận điểm: hiểu thế nào là tròn trách nhiệm gia đình nữa…
Đã đến lúc cần có sự thay đổi về nhận thức giá trị của người phụ nữ và trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình Việt. |
Yếu tố đầu tiên quyết định bất bình đẳng giới chính là từ trong suy nghĩ, nhất là của người phụ nữ. Chỉ khi chị em nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết, lúc đó, tình trạng bất bình đẳng mới có thể được cải thiện. Thứ hai, bất bình đẳng giới chỉ xảy ra khi người phụ nữ bị ép phải ở nhà và không được tạo lập mối quan hệ với xã hội. Thứ ba, bất bình đẳng giới xảy ra khi trong gia đình không có sự sẻ chia về công việc và trách nhiệm gia đình giữa vợ và chồng. Nhìn chung, chúng ta cần có cái nhìn nhân văn cho từng giới, từng hoàn cảnh.
Theo Bloomberg, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chương trình tăng tỉ lệ lãnh đạo nữ ở các Bộ (từ 11% lên 15%), lãnh đạo nữ ở doanh nghiệp nhà nước (từ 14% lên 18,5%) vào năm 2017. Nhật Bản cũng coi việc đưa phụ nữ tham gia đội ngũ lao động là trọng tâm trong chính sách kinh tế của mình. Mục tiêu 30% lãnh đạo ở Nhật sẽ là phụ nữ vào năm 2020. Tỉ lệ lãnh đạo nữ ở Nhật hiện tại chiếm 10%, Singapore (31%), Đức (38%) và Mỹ (43%). |
Một bộ phận không nhỏ người Việt Nam có học vấn cao nhưng vẫn duy trì các quan niệm bất bình đẳng giới. Theo họ, giá trị cốt lõi của người phụ nữ nằm ở sự hy sinh cho gia đình. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Vì sao phụ nữ lại phải hy sinh? Vì sao phụ nữ luôn là người chịu trách nhiệm chính trong giáo dục con cái? Vì sao khi một đứa trẻ hư lại đổ lỗi cho người mẹ trong khi để có một gia đình hạnh phúc, trách nhiệm thuộc về cả hai.
Đã đến lúc cần có sự thay đổi về nhận thức giá trị của người phụ nữ và trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình Việt. Đừng để hai chữ “hy sinh” bị gắn vào những người phụ nữ, đừng vô tư để họ phải “oằn mình” lên trước trách nhiệm gia đình và quên mất rằng cần có giới hạn.
Chính người phụ nữ cần thay đổi tư tưởng, không ôm đồm tất cả công việc trong gia đình về mình, cần lên tiếng để san sẻ trách nhiệm. Bên cạnh đó, người đàn ông trong gia đình cũng nhìn nhận lại bản thân, đừng để người phụ nữ mãi mãi phải gánh trên vai hai chữ “hy sinh” vì gia đình.
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP. HCM. |
Khi chưa có bình đẳng giới, chưa thể nói đó là một gia đình hay một xã hội hạnh phúc. Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, theo ông cần thay đổi những gì?
Quả không sai khi nói rằng một trong những yếu tố quyết định hạnh phúc gia đình là có sự bình đẳng giới. Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ hệ tư tưởng của văn hóa Á Đông, luôn cho rằng người đàn ông làm trụ cột chính và đưa ra những quyết định quan trọng, còn phụ nữ luôn phải hy sinh cho “hạnh phúc gia đình”.
Thứ hai, chính trong suy nghĩ có phần lệch lạc của các gia đình khi cho rằng con trai làm những việc trọng đại, còn con gái chỉ cần làm việc nhà. Họ quên mất rằng, cuộc sống đã thay đổi trong một xã hội học tập, trong một “thế giới phẳng”, hạnh phúc đến với những người biết sống và có trách nhiệm với chính mình.
Thay đổi đầu tiên và thiết thực nhất là trong cách suy nghĩ và hành động của mỗi người và cần có cái nhìn đúng đắn về bình đẳng giới; thay đổi từ trong cách cha mẹ giáo dục con cái, dần xóa bỏ định kiến nam nữ. Từ mỗi cá nhân, đến gia đình để hướng đến một xã hội bình đẳng, chính tại các cơ quan doanh nghiệp, năng lực của người phụ nữ cần được nhìn nhận khách quan.
Một người thì không thể thay đổi một cách nhìn, nhưng một gia đình rồi một xã hội đều hướng đến bình đẳng giới, tôi tin rằng ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới sẽ được thúc đẩy và phát triển.
Xin cảm ơn ông!