📞

Bình Định: Không có bất kỳ rào cản nào đối với nhà đầu tư

Nguyễn Phi Long 17:16 | 13/05/2022
Bình Định đã và đang “chuyển mình” trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc.
Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam Hàn Quốc tìm hiểu hoạt động logictics tại Cảng biển Quy Nhơn. (Nguồn cand.com.vn)

Chiến lược thu hút đầu tư mới của Bình Định trong năm 2022 và các năm tiếp theo là tập trung xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Tỉnh sẽ tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh cho các dự án then chốt thuộc 5 trụ cột chính, gồm Phát triển công nghiệp; Du lịch; Dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; Phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh làm các khâu đột phá theo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Thế mạnh miền “đất võ trời văn”

Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ với tổng diện tích tự nhiên 6.071 km2, Bình Định là một trong năm tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. So với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định có nhiều lợi thế vượt trội:

Thứ nhất, Bình Định nằm ở vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất của tiểu vùng sông Mekong thông qua cảng quốc tế Quy Nhơn, hạ tầng giao thông khá thuận lợi, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam trên cả 4 tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, đường hàng không và đường biển quốc tế.

Cảng quốc tế Quy Nhơn là một trong những cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, kho bãi rộng, với sản lượng hàng hóa thông quan đứng thứ 3 Việt Nam, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn. Từ cảng Quy Nhơn có thể đi thẳng đến các cảng biển lớn trong khu vực châu Á và các nước khác, trong đó có Hàn Quốc.

Thứ hai, Bình Định có nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao. Với dân số trên 1,5 triệu người, trong đó trên 55% là trong độ tuổi lao động, Bình Định có thể cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có ba trường đại học là Đại học Quy Nhơn với 38 ngành đào tạo, Đại học Quang Trung với 8 ngành đào tạo và Đại học FPT với 5 ngành đào tạo. Hiện tỉnh có hơn 20.000 sinh viên theo học tại các trường, mỗi năm có hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp. Chưa kể 5 trường cao đẳng, trung cấp nghề góp phần quan trọng trong việc đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.

Bình Định hiện nay được xem như là trung tâm khoa học của Việt Nam, hằng năm, có nhiều hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, thu hút sự tham gia của hàng trăm giáo sư, nhà khoa học hàng đầu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hàng chục giáo sư đoạt giải Nobel, giải Field, Shaw, Kavli.

Thứ ba, Bình Định có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trở thành trung tâm du lịch của vùng duyên hải miền Trung.

Với có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, Bình Định hiện còn lưu giữ nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị; là nơi nuôi dưỡng tài năng nhiều nhà văn hóa lớn của đất nước như Đào Tấn, Đào Duy Từ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mạc Tử…; là cái nôi của nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca; là nơi sản sinh ra môn võ cổ truyền Tây Sơn bất hủ lưu truyền đến tận ngày nay.

Ít địa danh nào ở Việt Nam được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp suốt chiều dài 134 km bờ biển như: bãi biển Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hoà, Bãi Dài, Bán đảo Phương Mai, Đầm Thị Nại, Hải Giang, Nhơn Lý, Eo Gió, Trung Lương, Vĩnh Hội, Hoài Hải…

Thứ tư, Bình Định có nền kinh tế phát triển năng động. Tỉnh đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đang có mặt trong nhóm những tỉnh, thành phố của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Bình Định đang từng bước vươn lên trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và là cầu nối với thị trường Lào, Campuchia và Thái Lan.

Nền kinh tế của tỉnh trong những năm qua phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thuộc nhóm khá của cả nước; đồng thời, an ninh chính trị ổn định, trật tự xã hội được đảm bảo. Đây là những điều kiện căn bản để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Sân bay quốc tế Phù Cát. (Nguồn: top10quynhon.com)

Thương hiệu môi trường đầu tư thông thoáng

Bình Định luôn mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đến với Bình Định, các doanh nghiệp sẽ không gặp bất kỳ rào cản nào bởi tỉnh cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả.

Thời gian qua, Bình Định không ngừng thực hiện cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để qua đó, góp phần tạo nên thương hiệu môi trường đầu tư thông thoáng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thụ lý và hỗ trợ thủ tục hành chính để lập và triển khai dự án đầu tư được quy định cụ thể. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn hơn so với quy định của Chính phủ. Bình Định đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính khi chủ động thực hiện giảm tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư từ 32 ngày xuống 25 ngày và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đánh giá rất cao.

Nhờ đó mà chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Bình Định tăng từ vị trí thứ 37, thuộc nhóm Trung bình (năm 2020) lên thứ 11, thuộc nhóm Tốt. Đây được xem là kết quả cho thấy sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư của toàn tỉnh trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Quả ngọt” cho những nỗ lực thực sự đồng hành với nhà đầu tư của Bình Định thể hiện rõ trong năm qua. Trải qua một năm đầy khó khăn do dịch Covid-19, Bình Định vẫn gặt hái những kết quả tích cực, được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư của khu vực miền Trung. Riêng đối với thu hút đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh có 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu USD (bằng số dự án và tăng 521,83% về vốn so với năm 2020). Lũy kế cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD.

Trong số các dự án đầu tư nước ngoài, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 97,74 triệu USD thuộc các lĩnh vực năng lượng, may mặc… Số lượng các dự án chưa nhiều, song nhìn chung các dự án này đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực lan tỏa trong thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Bình Định.

Trước làn sóng đầu tư mới của thế giới và nhận thấy được dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Bình Định đã chọn xứ sở kim chi, nơi có nền kinh tế năng động và phát triển để làm bước tiến mới trong kế hoạch thu hút đầu tư và hội nhập với thế giới.

Tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bình Định, con người và văn hóa nơi đây có sự tương đồng với văn hóa và phù hợp với nhu cầu đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc. Các đối tác Hàn Quốc có thể tìm “bến đỗ” trong các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu thúc đẩy như sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp; năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, xử lý rác…

Bình Định cam kết, các thành phần kinh tế đến với mảnh đất duyên hải miền Trung đều được quan tâm đối xử bình đẳng, mọi doanh nghiệp đều được tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách, quy hoạch, cơ hội đầu tư, kinh doanh.