Với quan điểm lấy cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân làm chủ thể trung tâm, là động lực chính trong CĐS, từ đầu năm đến nay, Bình Phước đã triển khai thành lập tổ công nghệ số (CNS) cộng đồng cấp xã, 845 tổ CNS cấp thôn với 5.962 thành viên, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đều khắp, sát với thực tế, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Không chỉ vậy, ngay sau khi thành lập, các tổ tiến hành đào tạo, tập huấn để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tạo Tài khoản dịch vụ công quốc gia, VNEID) và tương tác với chính quyền thông qua nền tảng số (binhphuoctoday...). Từ đó, người dân tích cực sử dụng CNS, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, Sở đã ban hành Kế hoạch tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng, phổ cập về CĐS trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà cho cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã và tổ CNS cộng đồng với sự tham gia của 378 cán bộ là lãnh đạo và công chức UBND cấp xã, phường và 6.415 tài khoản thành viên Tổ công nghệ cộng đồng thường xuyên tham gia học. Hiện tỉnh nhà phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm đặc trưng được số hóa.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang. |
Để đạt được mục tiêu trên, Sở sẽ cùng với chính quyền địa phương cấp huyện thiết lập các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng website thông tin thương mại, xây dựng thương hiệu, cung cấp thiết bị, tiện ích trên nền tảng số... Bởi cũng chính nhờ sự hỗ trợ tích cực này, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã, đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng hệ thống quản lý sản phẩm OCOP tại địa phương cho 16 xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Không chỉ vậy, muốn CĐS thành công cần tháo gỡ ngay những lực cản “ngại thay đổi” về thói quen, hành vi trên môi trường số; việc CĐS gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước; tất cả hướng tới mục tiêu chung “phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn”... Có như vậy, CĐS mới phát huy được kết quả thực chất, bền vững.
“Chỉ số CĐS tỉnh Bình Phước năm 2021 xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố tăng 15 bậc so với năm 2020. Điều này thể hiện sự cố gắng và quyết tâm không ngừng trong công cuộc CĐS của tỉnh nhà với ý chí từ tất cả các cấp lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể, địa phương lan tỏa đến tất cả mọi ngõ ngách, mọi nhà, mọi người dân thông qua tổ CNS cộng đồng. Tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng về công tác tuyên truyền, xác định truyền thông CĐS xuyên suốt trong toàn quá trình thực hiện nhằm thay đổi tư duy, nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và cả người dân để có sự chung tay, ủng hộ, vào cuộc một cách đồng bộ”, ông Nguyễn Minh Quang nhận định.