📞

Bình Thuận đẩy mạnh công tác bảo đảm và đấu tranh nhân quyền

Nhã Anh 14:03 | 05/07/2024
Ngày 5/7, Văn phòng thường trực về Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền cấp cơ sở năm 2024.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Thuận phát biểu khai mạc Hội nghị. (Nguồn: BTC)

Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền cấp cơ sở năm 2024 được tổ chức tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với sự tham gia của hơn 430 đại biểu thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Thuận, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; phòng ban, Công an Tỉnh, Ban giám thị Trại giam; lãnh đạo UBND, một số phòng, ban cấp huyện, xã…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh thông tin chung về công tác nhân quyền của tỉnh.

Theo đó, Bình Thuận là một tỉnh duyên hải miền Trung có đặc thù nhiều thành phần dân tộc (34 dân tộc), trong đó dân tộc thiểu số 106.685 người, chiếm tỷ lệ trên 8% dân số của tỉnh. Về tôn giáo, tỉnh có 8 tổ chức được công nhận tư cách pháp nhân với 427.789 tín đồ, chiếm tỷ lệ 34,75% dân số của tỉnh với các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo Bàni, Bàlamôn giáo.

Trong năm 2023, kinh tế xã hội của Bình Thuận tăng trưởng mạnh, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành; GRDP bình quân theo đầu người ước đạt 86,66 triệu đồng/người/năm, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân tỉnh Bình Thuận, nhất là vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa, miền núi cuộc sống còn khó khăn; hoạt động lợi dụng tôn giáo lôi kéo người dân tham gia có sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức bên ngoài và của số đối tượng bất mãn, “cơ hội chính trị” diễn biến phức tạp, gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Do đó, công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền vẫn luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đóng vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công của công tác này.

Trưởng Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Thuận cho biết, công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là trên lĩnh vực: an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân... ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền cấp cơ sở năm 2024 tại Bình Thuận. (Nguồn: BTC)

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới cần thống nhất chỉ đạo định hướng trong công tác giải quyết các vấn đề “nhạy cảm”, không để hình thành vấn đề phức tạp, “điểm nóng”; tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, góp phần vào kết quả chung của công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị tập huấn đã cung cấp nhiều thông tin mới về vấn đề quyền con người, công tác bảo đảm và đấu tranh về quyền con người trong tình hình mới và các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, hội nghị góp phần giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, huy động được sức mạnh tổng hợp của tất cả các sở, ban, ngành trong quá trình tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề ra chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh.