Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo thường kỳ chiều 12/1, tại Hà Nội.
Để không còn chuyện giải cứu
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, còn lại các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu thì phải qua tiểu ngạch. Và hiện sự nhìn nhận, đầu tư của người nông dân vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường.
"Chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi (đầu ra họ lo, giống của họ), tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn chuyện giải cứu," ông nói.
Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) là do Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu. Với những cửa khẩu mở thì quy trình giao nhận kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh.
"Thực tế, từ năm 2020 - 2021, tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng với sự vào cuộc bộ ngành địa phương thì việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng tích cực. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát phía Bắc thì Trung Quốc có quan ngại kiểm soát dịch bệnh, nên dù đã có nỗ lực giao thiệp với bạn để không gián đoạn giao thương, nhưng phía bạn vẫn kiểm soát chặt chẽ", bà Trang cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo. (Nguồn: PLO) |
Ngoài ra, điểm yếu cố hữu tồn tại lâu nay được nêu ra chính là việc sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường nhập khẩu; chất lượng và bao gói chưa được quan tâm đúng mức đáp ứng yêu cầu; việc truy suất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu vẫn còn hạn chế, nên khó xuất khẩu chính ngạch và chủ yếu sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Bà Trang cho biết Việt Nam đã có đàm phán về thuế song đàm phán quản lý chất lượng còn hạn chế khi chỉ có 9 sản phẩm đáp ứng yêu cầu, việc kiểm dịch chặt chẽ khi 100% sản phẩm trái cây xuất sang Trung Quốc phải kiểm dịch.
Trước diễn biến hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực tháo gỡ và khuyến cáo doanh nghiệp, điều tiết về mặt tiến độ, tháo gỡ cho hàng hóa bị ùn ứ. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng tổ chức các đoàn công tác đến tỉnh biên giới; trao đổi với phía bạn để có giải pháp kịp thời, ngay trước mắt.
Bộ Công Thương cũng đề nghị địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc.
"Kinh nghiệm từ các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương đã làm rất tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ nên vài năm gần đây, không có tình trạng tắc nghẽn với vải thiều ở các địa phương này. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị đàm phán về kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất khẩu sang Trung Quốc và rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch", bà Trang nói.
Các FTA được khai thác tốt, giúp thúc đẩy xuất khẩu
Liên quan đến tình hình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong 2 năm gần đây, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với EU, ngay từ năm đầu tiên thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã thu những kết quả tích cực.
Đặc biệt, năm 2020, thị trường EU đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (tháng 8-12/2020) có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. 7 tháng tiếp theo đạt mức tăng trưởng 17,8%. Đó là hiệu quả bước đầu mà EVFTA mang lại.
Tin liên quan |
'Đòn bẩy' UKVFTA giúp giao thương Việt Nam-Anh không bị gián đoạn |
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực triển khai đàm phán UKVFTA ngay sau khi Anh chính thức ra khỏi EU, để các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này không bị gián đoạn.
Kết quả, ngay từ 1/1/2021, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA. Trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao, với mức 15,4%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, cho thấy hiệu quả cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%)...
“Những kết quả này chứng tỏ, các FTA thế hệ mới bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định”, bà Nguyễn Cẩm Trang đánh giá.
Bên cạnh các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng được kỳ vọng tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
RCEP là FTA lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
“Với việc thành lập RCEP, đã kết nối 4 FTA của ASEAN thành hiệp định chung. Lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Như vậy, doanh nghiệp sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định”, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay.
| Phó Thủ tướng chỉ đạo về khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc Văn phòng Chính phủ có công văn số 58/VPCP-KTTH ngày 3/1 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về ... |
| Ngành Ngoại giao góp phần làm nên thành công của nông sản và thương hiệu Việt Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp, địa phương... đều ... |