Duy trì tăng trưởng
Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam khá tốt.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết quý II/2022, là cơ sở tốt cho doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Duy trì nhịp độ ngay cả khi cả nước có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tương đối dài, tháng 2/2022 xuất khẩu đem về khoảng 22,95 tỷ USD. Luỹ kế 2 tháng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết quý II/2022. (Nguồn: Cafe F) |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô xuất siêu 3,02 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II, vài ngày nay bà Phạm Thị Hồng- Giám đốc Công ty TNHH Hồng Thịnh liên tục liên lạc với khách hàng tại Nga để hỏi thăm tình hình cũng như giải quyết tình trạng ùn ứ đơn hàng và chứng từ thanh toán.
Theo bà Phạm Thị Hồng, do có mối quen, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu một lượng lớn hàng nông sản sang thị trường này.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, xung đột Nga - Ukraine xảy ra và các nước phương Tây áp đặt loạt trừng phạt lên Nga, các đơn hàng xuất khẩu của công ty bị dừng lại.
Theo Bộ Công Thương, Nga là thị trường tiềm năng của Việt Nam, xét cả khía cạnh nhập khẩu và xuất khẩu. Số liệu cho thấy, năm 2021 Việt Nam xuất sang Nga 3,2 tỷ USD; nhập khẩu từ nước này 2,3 tỷ USD, tăng 15%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, chiếm 33%; máy vi tính và sản phẩm điện tử 13%, dệt may 10,5%, cà phê 5,4%, thủy sản 5,1%.
Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu không lớn, dưới 1 tỷ USD, nhưng đây lại là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu.
Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD, tăng gần 51% so với cùng kỳ 2020. Thuỷ sản, giày dép, máy tính điện tử... là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang quốc gia này.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, trực tiếp và tiêu cực tới sản xuất, xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu; vận chuyển, lưu thông hàng hoá, thanh toán hợp đồng thương mại... Các doanh nghiệp có dự án hợp tác với Nga, Ukraine, Belarus và các nước liên quan trong cuộc khủng hoảng cũng sẽ chịu tác động.
Theo đó, trước tiên là nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khi cuộc xung đột này đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô... do thị phần sản xuất và xuất khẩu Nga, Ukraine với các mặt hàng này lớn.
| Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng vững tại thị trường Nga Ngày 17/3, tại Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội – Moscow (Incentra), Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga (VBA) đã ... |
Việc thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga cũng sẽ gặp khó, sau khi Mỹ và các nước phương Tây đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng của Nga, đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga...
Những bước trừng phạt này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng thanh toán bằng USD. Hơn nữa, đồng Ruble mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.
Không những thế, một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa.
Ngoài ra, việc cấm vận hàng không cũng khiến các hãng phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, thương mại song phương Việt - Nga sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt mạnh và toàn diện về tài chính lên Nga.
Vì vậy, doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Nga và Ukraine cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng...
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hoá thị trường.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất hàng sang Nga và Ukraine, có thể liên hệ Thương vụ Việt Nam tại hai quốc gia này để được hỗ trợ, tìm phương thức tháo gỡ.
Đáng lưu ý, tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết và ứng phó kịp thời trước tác động của xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam.
Chủ động ứng phó
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định: Đối với ngành dệt may, những đối tác xuất khẩu hàng đầu của ngành gồm Mỹ đạt 15,9 tỷ USD, EU 3,7 tỷ USD, Hàn Quốc 3,6 tỷ USD, Trung Quốc 4,4 tỷ USD…
Do đó, giá trị xuất nhập khẩu qua Nga và Ukraine rất nhỏ so những đối tác lớn nên tác động trực tiếp đến thương mại là rất nhỏ, nhưng tác động gián tiếp lại là điều cần chú ý.
Theo ông Vương Đức Anh, lo ngại là áp lực giá dầu tăng dẫn đến nguy cơ lạm phát tiếp tục leo thang, ảnh hưởng đến thị trường. Điều này sẽ tác động tới chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến việc giảm lợi nhuận hoặc sức cạnh tranh kém hơn, trong khi dệt may là mặt hàng nhạy cảm về giá cả và thời vụ. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra đánh giá để có những chính sách đón đầu.
Tin liên quan |
Không riêng Nga hay Ukraine, kinh tế Bắc Phi và Trung Đông cũng 'khốn đốn' vì xung đột |
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Nga và Ukraine không phải là đối tác lớn của Việt Nam nên tác động không ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, tác động gián tiếp qua giá dầu hay từ những nước áp dụng lệnh trừng phạt với Nga với Việt Nam cũng là vấn đề cần được lưu tâm.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng và các rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số biện pháp cụ thể bước đầu.
Đơn cử, đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, Bộ CôngThương lưu ý, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý trong xuất nhập khẩu để tránh vô tình vướng vào lệnh trừng phạt, nhất là lẩn tránh các biện pháp hạn chế thương mại.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Cùng với đó, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, bên cạnh giải pháp của cơ quan chức năng về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, Bộ Công Thương liên tục cảnh báo, việc mở cửa khẩu đã khó, giữ được cửa khẩu còn khó hơn.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn" để giữ được cửa khẩu.
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa an toàn, theo đúng yêu cầu phòng chống dịch giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.
| Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do xung đột Nga-Ukraine, doanh nghiệp chăn nuôi 'khóc ròng' Doanh nghiệp chăn nuôi vốn dĩ phải đối diện với khó khăn vì giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng ... |
| Vừa gượng dậy sau đại dịch, kinh tế thế giới lại hứng chịu 'cú bồi' xung đột Nga-Ukraine Sau khi chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, khiến giá hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng vọt, chuỗi cung ứng ... |