📞

Bỏ danh hiệu Học sinh tiên tiến, hạn chế tình trạng khen thưởng tràn lan

H.T 15:21 | 22/08/2021
Trong Thông tư 22 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/9/2021, sẽ không còn hình thức khen thưởng danh hiệu Học sinh tiên tiến đối với học sinh lớp 6.

Theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT, cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh xuất sắc đối với học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên.

Thông tư 22 cũng bỏ việc tính một điểm số trung bình chung cho tất cả các môn như quy định hiện hành. (Nguồn: Vietnam+)

Khen danh hiệu Học sinh giỏi cho học sinh có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.

Khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; Khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét đề nghị cấp trên khen thưởng.

Như vậy theo Thông tư kể trên, bắt đầu từ năm học nay (2021-2022), việc khen thưởng danh hiệu Học sinh tiên tiến không còn tồn tại đối với học sinh lớp 6.

Thông tư mới cũng quy định về cách xếp loại học sinh sẽ gồm các mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt thay vì lâu nay xếp theo: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT lý giải rằng, đây chỉ là thay đổi trong tên gọi các danh hiệu khen thưởng học sinh. Nếu như trước đây hiệu trưởng khen thưởng danh hiệu Học sinh giỏi, Học sinh tiên tiến thì nay quy định danh hiệu khen thưởng Học sinh xuất sắc; Học sinh giỏi.

Cũng theo ông Thành, trước đây học sinh được khen Học sinh tiên tiến là có kết quả học tập và rèn luyện loại khá trở lên. Nếu khen như hiện nay sẽ quá nhiều, không còn giá trị, động lực phấn đấu đối với học sinh.

Những năm tiếp theo, Thông tư mới áp dụng theo lộ trình năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10; 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 áp dụng đối với lớp 9 và lớp 12.

Ông Nguyễn Xuân Thành nói: "Thông tư 22 cũng bỏ việc tính một điểm số trung bình chung cho tất cả các môn như quy định hiện hành, nên sẽ không có tình trạng môn học này có thể gánh điểm cho môn học kia để dẫn đến học lệch.

Việc các môn học được coi trọng như nhau cũng sẽ giúp cho học sinh có thể thỏa sức phát huy hết khả năng của mình ở môn học mà các em có năng khiếu, theo sở thích riêng và được nhìn nhận, đánh giá công bằng".

(tổng hợp)