📞

Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ hội nhập mang sứ mệnh gìn giữ hòa bình

Hiền Hạnh 16:25 | 27/05/2022
Nỗ lực không mệt mỏi trên chặng đường 8 năm qua, những chiến sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc xứng đáng là sứ giả hòa bình, là Bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ hội nhập.
Các y, bác sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân. (Ảnh: Nguyễn Đảm)

Một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển là khát vọng lớn lao của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả mà mỗi quốc gia đều mong muốn hướng tới.

Trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với tinh thần "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập", bảo vệ hòa bình, thống nhất đất nước. Vì vậy, Việt Nam luôn trân trọng, hiểu rõ giá trị của nền hòa bình.

Tiếp nối truyền thống yêu chuộng hòa bình, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ), đạt được nhiều kết quả tích cực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước ủng hộ và cộng đồng quốc tế, LHQ đánh giá cao.

Tinh thần cống hiến, làm việc trách nhiệm, tận tụy của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã giúp lan tỏa hơn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, vì cộng đồng nhân loại thịnh vượng, tiến bộ, như đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình LHQ trong hơn 8 năm qua là một điểm sáng về đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta".

Tiếp nối truyền thống yêu chuộng hòa bình

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là kết quả của một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hết sức thận trọng. Năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của LHQ.

Từ năm 1993 Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Từ năm 2005, Việt Nam đã tiến hành cử các đoàn công tác liên ngành đi tham quan, nghiên cứu và cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Tháng 11/2012, "Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ" được Bộ Chính trị thông qua. Việt Nam đã thành lập Tổ công tác liên ngành về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Bộ Quốc phòng đã xây dựng và triển khai "Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/12/2013, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Với việc tổ chức Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và đồng thời là Lễ xuất quân cho 2 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên lên đường đi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ LHQ tại Nam Sudan. Ngày 27/5/2014 đã đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, qua đó quy định rõ về các nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) làm nhiệm vụ tham mưu và điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến nay, sau 8 năm thành lập, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đưa các cơ chế liên quan đi vào hoạt động, phối hợp hiệu quả, đóng góp tích cực trong quá trình triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết ngay từ khi ra đời, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xác định rất rõ ba chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể là, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chiến lược về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ; trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở LHQ và tại các phái bộ; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Việt Nam tại LHQ và tại các phái bộ.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá, trong những năm qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, của Quân đội Việt Nam.

Bệnh viện dã chiến Việt Nam được vinh danh tại Nam Sudan.

Tham gia tích cực và có trách nhiệm

Đến nay, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan cá nhân của Quân đội tham gia các nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu (tham mưu hậu cần, tham mưu trang bị, theo dõi các hoạt động quân sự tại phái bộ, Tham mưu huấn luyện), quan sát viên quân sự, sĩ quan phân tích thông tin tình báo... tại Trụ sở LHQ và 2 Phái bộ tại Nam Sudan (UNMISS), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), trong đó có 8 lượt nữ sĩ quan.

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam có 4 sĩ quan trúng tuyển vào làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) và Sở Chỉ huy Phái bộ Cộng hòa Trung Phi. Quy trình ứng thi vào các vị trí tại trụ sở LHQ vô cùng nghiêm ngặt. Thông thường, để có một vị trí làm việc tại đây, sĩ quan của Việt Nam phải vượt qua 200 sĩ quan ứng thi từ các nước thành viên khác.

Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng, cho thấy sự phát triển về chất lượng trong hành trình tham gia thực hiện sứ mệnh hòa bình cao cả của Việt Nam. Đối với hình thức đơn vị, năm 2018, Việt Nam chính thức cử đội hình cấp đơn vị đầu tiên - Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Bentiu, Nam Sudan, đánh dấu mốc son trong tiến trình triển khai lực lượng.

Tới nay, Việt Nam đã cử trên 250 cán bộ, y, bác sĩ của các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, số 2, số 3 và số 4 đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Không những được đánh giá cao về chuyên môn cũng như hiệu quả của các chương trình quân - dân kết hợp triển khai tại địa bàn phái bộ, các đội hình này đều có tỷ lệ nữ quân nhân đáp ứng yêu cầu của LHQ.

Đặc biệt, sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 17/11/2021, Việt Nam chính thức ra mắt Đội Công binh số 1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, cũng là lần triển khai đội hình đơn vị tham gia gìn giữ hòa bình LHQ với quân số lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, gồm 184 quân nhân (trong đó có 21 nữ).

Đội Công binh số 1 đã xuất quân lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ lực lượng an ninh lâm thời của LHQ tại Abyei (UNISFA). Cùng với Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đội Công binh của Việt Nam sẽ góp phần cung cấp các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp các Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc gìn giữ hòa bình, tái thiết đất nước, mang lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho các quốc gia bản địa, đồng thời góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ trong thời bình.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là chủ trương rất lớn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng để Việt Nam hội nhập quốc tế ở mức độ cao hơn.

"Đây là một nhiệm vụ mới, rất quan trọng, bởi không chỉ đóng góp trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng hay hợp tác quốc tế, mà thực chất chúng ta mang những kiến thức về quân sự, kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước trước đây vào một giai đoạn phát triển mới, hội nhập quốc tế trong môi trường đa phương, đòi hỏi có trình độ, năng lực phối hợp, cùng hành động giải quyết các xung đột, hậu quả, thách thức phi truyền thống mà nhân loại đang phải cùng đối phó", Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhận định.

Nỗ lực không mệt mỏi trên chặng đường 8 năm qua, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã tự khẳng định và chứng minh hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của LHQ, xứng đáng là sứ giả hòa bình, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ hội nhập.

Thời gian tới, chủ trương của Việt Nam là tập trung phát triển có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ; thu hút các nguồn lực quốc tế nhằm nâng cao năng lực toàn diện của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ trong tương lai.

Theo Nghị quyết 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu mở rộng lực lượng, không dừng lại ở quân y, công binh hay sĩ quan hoạt động độc lập, mà sẽ cố gắng xây dựng thêm thêm lực lượng bộ binh, kiểm soát quân sự, công an, dân sự... tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Trung tâm Huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có năng lực và tầm cỡ đạt chuẩn quốc tế.

"Chúng ta sẽ lựa chọn các hình thức tham gia và phái bộ phù hợp, nhưng tiêu chí được đặt lên đầu tiên là đảm bảo an ninh, an toàn cho các lực lượng tham gia, đảm bảo chắc thắng trong mỗi mặt trận mở ra; nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ.

(theo TTXVN)