Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Hội nghị là hoạt động trong chương trình công tác của Bộ Ngoại giao nhằm hỗ trợ các địa phương trong hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là triển khai Kế hoạch của Chính phủ và Chương trình hành động của Ngoại giao thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Dương (CPTPP).
Đây cũng là lần thứ hai trong năm nay, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức hoạt động kết nối, hỗ trợ khu vực Bắc Trung Bộ, sau thành công của “Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ 2019” vào tháng 4/2019.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo của các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các diễn giả có uy tín từ Tổ Biên tập tiểu ban Kinh tế - xã hội, Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các Sở, ban, ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ những đánh giá về tình hình thế giới và khu vực, xu thế phát triển và liên kết kinh tế quốc tế, đồng thời khẳng định, năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, với việc triển khai các FTA “thế hệ mới”, cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao như CPTPP, ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đẩy mạnh triển khai các FTA quan trọng như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc,….
Với mạng lưới 16 FTA đã, đang và sẽ triển khai, nước ta đang đứng trước những cơ hội to lớn để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là với các doanh nghiệp và địa phương. Để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số, hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi sự quyết tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, nước ta sẽ có điều kiện đóng góp tích cực vào quá trình định hình các cấu trúc mới ở khu vực và toàn cầu, nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ các cơ hội phát triển kinh tế đất nước. Thứ trưởng cũng nêu bật một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao là phục vụ phát triển, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong triển khai hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp và đồng hành với các địa phương, nhất là quá trình xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của chủ đề và các nội dung thảo luận tại hội nghị đối với các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quyền Vụ trưởng Vụ Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì toạ đàm trao đổi về thực thi các cam kết kinh tế quốc tế và những khó khăn, vướng mắc với địa phương và doanh nghiệp. |
Hội nghị đã nghe các chuyên gia báo cáo về tình hình thế giới, khu vực và triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới và xu thế liên kết kinh tế quốc tế, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030 và một số vấn đề đặt ra với các tỉnh Bắc Trung bộ để phát triển nhanh và bền vững, các cam kết chính trong các FTA “thế hệ mới” và các cơ hội đặt ra với địa phương và doanh nghiệp…
Các địa phương, doanh nghiệp đã nêu và trao đổi trực tiếp nhiều vấn đề quan tâm với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, VCCI và các cơ quan liên quan, như lồng ghép các nội dung hội nhập quốc tế trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực sáng tạo trong thời đại số, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận các thị trường FTA và hạn chế các rào cản phi quan thuế, thu hút đầu tư chất lượng cao và thẩm định các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xử lý vấn đề gian lận thương mại, công tác bảo hộ công dân và người lao động Việt Nam ở nước ngoài…
Các đại biểu đánh giá nội dung thiết thực của hội nghị và sự đổi mới sáng tạo của Ngoại giao, đã góp phần giúp các địa phương nắm bắt những thông tin cập nhật, nhất là về hai Hiệp định CPTPP và EVFTA, qua đó hỗ trợ các địa phương trong đề xuất, xây dựng chính sách và triển khai hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cho các cán bộ và doanh nghiệp địa phương.
Trong dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã làm việc với đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn làm việc với Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Tại cuộc họp, đồng chí Phan Ngọc Thọ đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh, cho rằng Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả nhất định song tốc độ tăng trưởng còn chậm, các hoạt động kinh tế đối ngoại chưa phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm năng.
Đồng chí Phan Ngọc Thọ cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao thời gian qua, đồng thời mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai công tác đối ngoại trên cơ sở mô hình phát triển bền vững cùng nền tảng văn hoá lâu đời, nhất là việc trình UNESCO công nhận các hồ sơ di sản phi vật thể tiêu biểu của Huế như Nghệ thuật Ca Huế, diễn tấu, Nghệ thuật ẩm thực Cung đình Huế, đề án xây dựng Kinh đô ẩm thực, Mộc bản Phật giáo Huế; định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương theo cơ chế đặc thù là thành phố di sản, “kinh đô ẩm thực” của khu vực miền Trung.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn chúc mừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt những kết quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững vừa qua, đặc biệt về bảo đảm môi trường, cảnh quan đô thị, an ninh con người; khẳng định Thừa Thiên Huế là một trong các địa bàn trọng điểm chiến lược của cụm kinh tế trọng điểm miền Trung; hoan nghênh định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, là nội dung quan trọng đóng góp vào đường lối chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng XIII sắp tới.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm làm việc và nghe giới thiệu về dự án phát triển Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, một trong những dự án phát triển kinh tế, cảng biển, du lịch quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Thứ trưởng Thường trực cũng khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, mở rộng hợp tác về y tế gắn với công nghệ cao, đào tạo – bồi dưỡng – xuất khẩu nguồn nhân lực,… trên cơ sở nhu cầu, tiềm năng, điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Cùng ngày, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã thăm làm việc và nghe giới thiệu về dự án phát triển Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, là một trong những dự án phát triển kinh tế, cảng biển, du lịch quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thứ trưởng Thường trực đánh giá cao tiềm năng phát triển của Khu kinh tế, đồng thời khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực hỗ trợ tỉnh thúc đẩy xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh của Khu kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.