📞

Bộ Ngoại giao: Đề xuất thiết lập cơ chế phòng ngừa chặt chẽ ‘không thể tham nhũng’

Văn An 19:06 | 18/11/2021
Bộ Ngoại giao luôn chú trọng việc quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng tới cán bộ, công chức.
Trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ quan trọng, giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình, tự giác tuân thủ và chấp hành.

Do đó, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn chú trọng việc quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng tới cán bộ, công chức; coi việc tuân thủ pháp luật là tiêu chí đánh giá kết quả công tác và thi đua của từng đơn vị trong Bộ cũng như cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã kịp thời tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan làm cơ sở để triển khai công tác PCTN, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ.

Do tính chất đặc thù của lĩnh vực đối ngoại, trên cơ sở quy định của pháp luật và của ngành Ngoại giao, Bộ đã ban hành, áp dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và thành viên Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều năm nay với mục đích ngăn ngừa, là căn cứ để xử lý vi phạm.

Quy tắc ứng xử quy định các chuẩn mực ứng xử, những điều phải làm và không được làm trong thi hành công vụ, quan hệ xã hội, PCTN của cán bộ, công chức ngành Ngoại giao ở cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Bộ được thực hiện theo Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi tại một số đơn vị. Ngoài các vị trí phải định kỳ chuyển đổi để PCTN, Bộ Ngoại giao có đặc thù luân chuyển thường xuyên cán bộ trong và ngoài nước (gần 400 lượt cán bộ/năm). Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, kiện toàn tổ chức bộ máy về PCTN tại Bộ Ngoại giao được thực hiện thường xuyên, kịp thời bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, tìm hiểu pháp luật về PCTN; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức ngoại giao.

Minh bạch, đảm bảo lựa chọn cán bộ uy tín, có chất lượng

Tại Bộ Ngoại giao, minh bạch gắn liền với công khai trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tất cả cán bộ, công chức đều bình đẳng trong việc tham gia ý kiến vào các mặt công tác của Bộ. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, nâng ngạch được triển khai đúng quy định, không để xảy ra sai phạm hay khiếu nại, tố cáo.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo được xây dựng và thực hiện cụ thể, rõ ràng, minh bạch, đảm bảo lựa chọn cán bộ uy tín, có chất lượng. Việc cân đối, bố trí kinh phí mua sắm tài sản công luôn đảm bảo theo các tiêu chuẩn định mức được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, tài sản đúng quy định của Nhà nước.

Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, giảm chi tiêu thường xuyên, đồng thời quản lý chặt chẽ việc chi tiêu nội bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không có trường hợp vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao nghiêm túc quán triệt và thực hiện Quy tắc ứng xử của Ngành. Thể hiện rõ trong việc nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao; tích cực, chủ động trong công việc; có thái độ ứng xử đúng mực trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; đảm bảo các chuẩn mực về văn hóa công sở. Thủ trưởng các đơn vị luôn gương mẫu trong công việc cũng như trong lối sống, giữ gìn đoàn kết nội bộ.

Ngoài ra, Lãnh đạo của Bộ Ngoại giao, cấp ủy của các tổ chức cơ sở đảng luôn thực hiện tốt chuẩn mực của người lãnh đạo, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và các quy định về PCTN; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về PCTN; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chỉ đạo Thanh tra Bộ lưu ý tiến hành thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực... Giai đoạn 2020-2021, tại Bộ Ngoại giao không có trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng.

Kiến nghị bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”

Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các biện pháp mang tính phòng ngừa, phát huy vai trò của các đơn vị chức năng trong giám sát, kiểm tra, công tác PCTN của Bộ Ngoại giao đã đạt những kết quả tích cực, không để xảy ra vụ việc tham nhũng cũng như hành vi vi phạm pháp luật về PCTN.

Từ những thành quả đã đạt được, Bộ Ngoại giao đề xuất trong thời gian tới, chú trọng chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; tiến hành tổng kết việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021” (ban hành kèm theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm đánh giá hiệu quả các mục tiêu của Đề án, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về PCTN nhằm thiết lập cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”.

Việc rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

(theo thanhtravietnam.vn)