Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2021). |
Đây là năm thứ 10 Bộ Nội vụ tiến hành xác định chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) để đánh giá, xếp loại kết quả CCHC hàng năm của 17/22 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ) và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP, gắn với bản lề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo kết quả chấm điểm, năm 2021, chỉ số CCHC của Bộ Ngoại giao đạt 88 điểm, xếp thứ 5/17, năm thứ 3 liên tiếp nằm trong top 5 bộ dẫn đầu về CCHC.
Kết quả này được tổng hợp từ điểm Hội đồng thẩm định (gồm đại diện một số Bộ, cơ quan) đánh giá và điểm điều tra xã hội học được thực hiện bởi các bộ, cơ quan và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, trong năm nay, điểm do Hội đồng thẩm định đạt 59,64 điểm; điểm điều tra xã hội học đạt 28,36 điểm.
Trong số 7 lĩnh vực xác định chỉ số CCHC có 6 lĩnh vực Bộ Ngoại giao đạt trên 85% tổng điểm, đó là: cải cách bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Theo kết quả chấm điểm, năm 2021, chỉ số CCHC của Bộ Ngoại giao đạt 88 điểm, xếp thứ 5/17 |
Qua việc đánh giá, chấm điểm, có thể thấy một số nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đã làm tốt và được đánh giá cao, cụ thể:
Thứ nhất là công tác cải cách tổ chức bộ máy (đạt 86,56% tổng điểm): Triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sau Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tiếp tục đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngày 15/10/2017, Bộ Ngoại giao đã nghiêm túc rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao gồm 2 đơn vị cấp Tổng cục, 6 đơn vị cấp Cục và tương đương, 17 đơn vị cấp Vụ và tương đương và 11 đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) (đạt 89,90% tổng điểm): Bộ Ngoại giao đã ban hành và thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC đúng quy định; việc công bố, công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ được đánh giá tốt tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC về cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Thứ ba là công tác xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ (đạt 88,54% tổng điểm, xếp thứ 3/17): Với quyết tâm gỡ bỏ những quy định pháp luật chồng chéo, mẫu thuẫn, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, Bộ Ngoại giao đã thực hiện nhiều giải pháp, giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.
Thứ tư là công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức (CCVC) (đạt 85,44% tổng điểm): Bộ Ngoại giao thực hiện tốt cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; công tác tuyển dụng CCVC tiếp tục được tiến hành nghiêm túc với nhiều cải tiến, sáng kiến, đảm bảo chất lượng; công tác bổ nhiệm, đánh giá, phân loại và đào tạo CCVC thực hiện đúng quy định và yêu cầu; công tác đào tạo bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên với nhiều sáng kiến tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến, ứng dụng phần mềm E-learning tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động tiếp cận kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời bảo đảm quy định về giãn cách trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thứ năm là công tác cải cách tài chính công (đạt 88,95% tổng điểm): Bộ Ngoại giao đã thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và đầu tư công; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các đơn vị trực thuộc Bộ để bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ sáu là hiện đại hóa hành chính (đạt 90,90% tổng điểm): Bộ Ngoại giao tích cực đưa ra các sáng kiến, đề xuất và ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác của Bộ; tiếp tục số hóa công tác theo dõi, nhắc việc thông qua hệ thống thống kê điện tử tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong Bộ; đưa vào sử dụng nền tảng số của Bản tin A, thiết lập hệ sinh thái với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho phép các Cơ quan đại diện biên tập và gửi về bản tin A hàng ngày, giúp bảo đảm tính thời sự của tin, giảm chi phí in ấn, tiết kiệm nguồn lực và phát huy kho dữ liệu tin tức của Bộ Ngoại giao.
Nhìn chung, những năm qua, chỉ số CCHC và xếp hạng của Bộ Ngoại giao liên tục được cải thiện, từ chỗ đạt 80,85 điểm, xếp hạng 8/19 bộ, ngành năm 2016 lên 88 điểm, xếp hạng 5/17 bộ, ngành năm 2021.
Thành tích này là kết quả của sự đồng hành, chung tay của tất cả các đơn vị, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Ngoại giao, nhưng trước hết phải kể đến chủ trương đúng đắn, luôn coi trọng công tác CCHC và sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ.
Bộ Ngoại giao đã phân công Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tham gia thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ - đơn vị đầu mối về CCHC của Bộ Ngoại giao, và các đơn vị thuộc Bộ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể và Kế hoạch CCHC của Bộ Ngoại giao.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, công tác CCHC tiếp tục được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bộ máy hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, hướng tới xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số. Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt công tác này; các bộ, ngành, địa phương và dư luận cũng rất quan tâm và theo dõi sát sao đến công tác CCHC và chỉ số CCHC của các bộ, ngành, địa phương.
Để giữ vững được thành tích về CCHC đồng thời để công tác CCHC đi vào thực chất, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục coi CCHC là một trong những trọng tâm công tác, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng và ý nghĩa của CCHC, từng bước đưa công tác CCHC đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đối ngoại được giao.