Hội thảo quốc tế về xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hội thảo là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam,cũng như thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam, đại diện Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền LHQ, đại diện Bộ Ngoại giao các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, đại diện một số cơ quan nghiên cứu, cơ quan phát triển LHQ và Đại sứ quán tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của LHQ, ủng hộ nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đối thoại thực chất, hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực quyền con người.
Ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng, tham gia đầy đủ và luôn dành sự quan tâm xuyên suốt đến tiến trình UPR, cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc của HĐNQ và đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Với tinh thần đó, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam được xây dựng để cung cấp những thông tin chân thực, toàn diện và phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.
Về phía LHQ, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam hoan nghênh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và bảo vệ quyền con người mà minh chứng là quyết định thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.
LHQ đánh giá cao Việt Nam đã chủ động đương đầu với các thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, sẵn sàng chấp thuận và có hành động triển khai các khuyến nghị trong những lĩnh vực còn khó khăn. Các cơ quan LHQ tại Việt Nam tự hào đã cùng nhau hỗ trợ Việt Nam triển khai ít nhất 75% khuyến nghị được chấp thuận.
Trong khi đề xuất một số ưu tiên mà Việt Nam cần giải quyết nhất là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong chuyển đổi số, ông Kamal khẳng định, các cơ quan LHQ ở Việt nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia đến từ Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền LHQ, Bộ Ngoại giao các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản trình bày về kinh nghiệm triển khai các khuyến nghị UPR và xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của các nước này.
Các đại biểu cũng đã tham gia tham luận, đóng góp ý kiến, thông tin về những khó khăn, thách thức đặt ra, cũng như đúc kết, chia sẻ các bài học kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt liên quan trong quá trình xây dựng báo cáo giữa kỳ thực hiện các khuyến nghị UPR tại Việt Nam. Các thông tin, ý kiến này sẽ được tổng hợp, tham khảo trong quá trình xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III của Việt Nam gửi đến Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền LHQ do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.
Kể từ khi cơ chế UPR được thành lập, Việt Nam đã tham gia rà soát 3 chu kỳ UPR vào các năm 2009, 2014 và 2019. Hiện Việt Nam đang triển khai thực hiện các khuyến nghị chấp thuận theo UPR chu kỳ III trên cơ sở Kế hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.
Các chu kỳ UPR của một nước thường cách nhau thời gian tương đối dài (khoảng 5 năm). Do đó để, kịp thời cập nhật tình hình thực hiện một cách tổng thể nhất, thể hiện sự tích cực, trách nhiệm đối với cơ chế UPR nói riêng, việc thúc đẩy quyền con người nói chung, một số quốc gia đã nộp Báo cáo giữa kỳ lên Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Việc nộp Báo cáo giữa kỳ thực hiện các khuyến nghị UPR mang tính chất tự nguyện và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cho đến tháng 6/2021, có 78 nước đã nộp Báo cáo này lên Hội đồng Nhân quyền LHQ trong đó chu kỳ III có 15 nước nộp.