Vàng
Vàng, BĐS và CK là ba thị trường khó có thể cùng phát triển mạnh mẽ trong một thời điểm. Khi nền kinh tế tốt thì đó có thể là cơ hội của BĐS và CK. Nhưng khi lạm phát cao, người dân thường tìm đến vàng như một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Thực tế cho thấy, khi cơn bão lạm phát tràn qua nhiều nền kinh tế nhất là những đầu tàu như Mỹ, EU, Nhật Bản... cùng với giá dầu tăng cao đã đẩy giá vàng cao mức kỷ lục.
Nhìn lại thị trường trong nước ước tính từ năm 1992 đến nay thì đây là năm Việt Nam có mức lạm phát cao nhất. Chính vì thế, nhu cầy đầu tư vào vàng của người dân tăng cao. Hiện NĐT đang giao dịch vàng qua hai kênh: Vàng vật chất (mua vàng và cất trữ) và giao dịch vàng qua sàn (qua tài khoản) tại sàn giao dịch Vàng Sài Gòn. Nếu kinh doanh vàng vật chất vào thời điểm này có thể là một lựa chọn bởi giá vàng cũng đang điều chỉnh bởi tình hình kinh tế Mỹ có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lạm phát của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể tăng cao và đó là cơ hội cho vàng tăng giá vào cuối năm.
Đối với giao dịch qua tài khoản, với mức ký quỹ 7% NĐT được các ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 93% để đầu tư vàng. Khi giá vàng giảm xuống còn khoảng 4% tỷ lệ ký quỹ, các sàn vàng sẽ xử lý tài sản để thu hồi nợ. Đây là một hình thức mua bán khống mà hiện chưa được áp dụng đối với TTCK. Do đó, có tính hấp dẫn không nhỏ đối với NĐT. Hiện nay, các DN như Phú Quý, Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đông Á, SJC phối hợp với TTCK Hà Thành mở sàn giao dịch vàng.
Những ngày giao dịch gần đây, giá trị giao dịch lên đến chục ngàn tỷ đồng cho thấy, ngày càng nhiều NĐT tham gia. Tuy nhiên, giao dịch này cũng rất nhiều rủi ro bởi giá vàng biến động rất nhanh mà đôi khi không tuân theo quy luật nào. Nếu không bám sát thông tin và phản ứng nhanh để đặt lệnh mua/bán thì khả năng thua lỗ là khá lớn.
Bên cạnh đó, NĐT cũng chịu nhiều khoản phí (từ 1.000 - 2.000 VND/lượng), chi phí vay ngân hàng nên nếu giá vàng không có biến động lớn thì lợi nhuận cũng không nhiều. Hơn nữa, khung pháp lý cho các sàn vàng hoạt động hiện nay chưa rõ ràng, vì thế, nếu có tranh chấp xảy ra thì chỉ dựa trên cơ sở hợp đồng chứ chưa có Luật bảo vệ NĐT trên sàn vàng.
Chứng khoán
Một thời được lựa chọn là kênh đầu tư số 1 (cuối năm 2006 đầu năm 2007), CK giờ đây trở thành cơn "ác mộng" của không ít NĐT. Tính từ đầu năm đến nay, HaSTC-Index giảm 74% so với đỉnh cao, VN-Index giảm 64%, thị trường OTC đã giảm từ 70-80%.
TTCK hiện nay đang chịu tác động bởi những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước như: Lạm phát tăng cao, tín dụng thắt chặt của NHNN, điều hành chính sách tiền tệ thiếu nhất quán. Những yếu tố đó tác động đến niềm tin của NĐT.
Bên cạnh đó, nội tại thị trường cũng đang bộc lộ những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Một lượng cung khồng lồ đến từ các đợt IPO DN NN lớn, việc phát hành ồ ạt tăng vốn của các DN trong năm 2007 làm cho lượng hành hoá trên thị trường tăng đột biến. Một lượng lớn CP giải chấp từ các NHTM và các NĐT tổ chức (CTCK, Quỹ đầu tư) khiến cho thị trường liên tục mất điểm và xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Hiện tại, theo các chuyên gia, đầu tư CK có nhiều rủi ro vì những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển và CCTK sẽ hồi phục. Vì thế, nhiều DN làm ăn tốt, giá CP đang rất hợp lý là lựa chọn những NĐT dài hạn có tiềm lực tài chính. Theo các chuyên gia tài chính - CK, những lĩnh vực có thể đầu tư như: Chế biến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, năng lượng, những ngành được hưởng lợi từ lạm phát. Tuy nhiên, NĐT cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn CP, cần mua CP tốt ở giá hợp lý chứ không phải mua CP rẻ.
Bất động sản
Tính đến nay, thị trường BĐS đã trải qua cơn sốt thứ 5 kể từ đầu những năm của thập kỷ 90. trong năm 2007, khi các ngân hàng tăng trưởng nóng với việc huy động vốn thuận lợi từ TTCK, một lượng dư nợ lớn từ việc đầu tư, đầu cơ nhà đất.
Sang năm 2008, khi lạm phát tăng cao, NHNN thắt chặt tín dụng khiến cho các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động và cho vay. Mặt khác, NHNN quy định các ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng quá 30% so với năm 2007. Vì thế, không chỉ khiến các chủ dự án mà những NĐT cũng lâm vào cảnh lao đao thiếu vốn.Một lượng hàng lớn với giá gốc (do chủ dự án đưa ra) được bán tháo cũng khiến thị trường trong tình cảnh cung vượt cầu, thị trường BĐS lâm vào tình trạng sốt lạnh.
Đối với những người có nhu cầu mua nhà đất ở thì đây là cơ hội thực sự để họ mua được nhà với giá hợp lý. Với những NĐT thì sao? Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường tiền tệ, CK. Chỉ khi nào lạm phát giảm, thị trường tiền tệ ổn định, các chính sách tiền tệ được nới lỏng thì thị trường BĐS mới có cơ hội phục hồi. Như vậy, ít nhất hết năm nay, thị trường BĐS mới có thể sôi động trở lại khi mà các biện pháp kiềm chế lạm phát phát huy tác dụng.
Vì thế, đối với những NĐT có nguồn vốn lớn có thể đầu tư dài hạn (từ 1-2 năm trở lên) có thể bỏ vốn đầu tư. Trong ngắn hạn thì rất khó và dễ bị kẹt vốn do BĐS có giá trị lớn, tính thanh khoản không cao.
USD
Những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND là đề tài nóng trên các trang báo cũng như trong giới đầu tư. Cách đây không lâu, USD thừa mứa đến mức có nhiều ý kiến cho rằng, nên cho NĐT nước ngoài mua cổ phần trong các DNNN thực hiện IPO bằng ngoại tệ. Nhưng chỉ chưa đầy 2 tháng, tình thế đã đảo chiều khi trên thị trường có dấu hiệu khan hiếm loại ngoại tệ này. Nguyên nhân chính của việc giá USD tăng lên đợt này bắt nguồn từ việc các hàng nước ngoài đã tăng mạnh lượng ngoại tệ mua vào.
Điều này có thể do TTCK liên tục đi xuống đã làm nản lòng một số NĐT ngoại và họ quyết định chuyển vốn sang các thị trường khác an toàn hơn. Trước sự lên giá của USD nhiều NĐT nội đang mất phương hướng cũng chuyển sang mua USD càng làm cho cầu USD tăng lên cao nữa. Mặc dù đang "sốt" USD nhưng theo các chuyên gia tiền tệ, hiện tại, chuyển VND sang nắm giữ USD có thể phải đối mặt với hai rủi ro. Thứ nhất, lãi suất gửi USD thấp hơn đáng kể so với gửi VND. Thứ hai, mua USD hiện tại với giá quá cao có thể bị lỗ nếu USD giảm giá trong tương lai.
Gửi tiết kiệm
Đây là cách làm truyền thống đối với đa số người dân khi họ không có điều kiện, cơ hội tiếp cận các kênh đầu tư. Tuy nhiên, với mức lãi suất như hiện nay mặc dù đã tăng khá cao do các ngân hàng trong cuộc đua hy động vốn lên đến xấp xỉ 20%/năm, thì việc gửi tiền tiết kiệm cũng không phải là lựa chọn hợp lý. Bởi với mức lạm phát dự báo lên đến 22% trong năm nay việc gửi tiết kiệm với mức như trên không đảm bảo cho người gửi tiền có lãi suất thực dương.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, mỗi lĩnh vực đều mở ra cơ hội đầu tư cho mỗi người. Tuỳ từng điều kiện cũng như vào hiểu biết của mỗi người mà có thể lựa chọn cách bỏ tiền. Tuy nhiên, dù đầu tư vào kênh nào cũng cần đảm bảo rằng trước khi đồng vốn sinh lời thì nó phải an toàn. Và một nguyên tắc được nhiều NĐT thành đạt đúc kết: "Đừng để tất cả trứng mà bạn có vào một giỏ". Khi sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư vào các tài khoản khác nhau, chúng ta có thể giảm rủi ro thông qua việc đa dạng hoá chúng.
Theo Thế Giới Doanh Nhân