Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. |
Sáng 28/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, mặc dù Việt Nam tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế trong nước nhìn chung gặp nhiều khó khăn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 ở mức cao nhất; vừa hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, vừa tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
6 tháng đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội thông qua 3 luật và 3 nghị quyết. Lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chương trình công tác được giao và giao bổ sung.
Trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần vượt khó trong thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân; Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhờ vậy nước ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 156 nghìn tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản hoàn thành công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu cho Chính phủ những giải pháp chính xác, hiệu quả.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi và liên tục đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cho Chính phủ. Trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Song song với đó, Bộ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đến hết tháng 6, cả nước thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quản lý đấu thầu và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tiến bộ vượt bậc khi số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đạt tỉ lệ 81,2%, với tổng giá trị gói thầu là 112.656 tỷ đồng (chiếm 50,3%, tăng hơn 2 lần so với năm 2019). So với chỉ tiêu Chính phủ quy định, đấu thầu qua mạng vượt 135% về tỉ lệ số lượng và 200% về tổng giá trị gói thầu.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. |
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp, bao gồm: tập trung đổi mới thể chế; rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác quy hoạch, lập kế hoạch; quyết tâm giải ngân đầu tư công ở mức cao nhất; đẩy nhanh phê duyệt các dự án đầu tư; rà soát các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường đấu thầu qua mạng.
Nhận định 2021 là năm thế giới nghiên cứu thành công vaccine và thuốc điều trị Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khả năng phục hồi kinh tế của thế giới cũng như trong nước sẽ tỉ lệ thuận với tình hình dịch bệnh. Để chớp thời cơ, phục hồi nền kinh tế, ngay từ bây giờ, toàn ngành cần xây dựng kế hoạch nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2021-2025.
“Chúng ta phải triển khai nhiệm vụ với tinh thần cao hơn, làm được một thì phải cố gắng hai. Ngành cần phải chắt chiu cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư công. Vừa khắc phục khó khăn, vừa phải chủ động hơn nữa để quyết định tương lai của đất nước, của từng địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị cũng đã nghe đại diện các địa phương như Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đắk Lắk... thẳng thắn phân tích khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư công 6 tháng cuối năm 2020.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo như: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020; tham mưu trình Chính phủ ban hành các quyết định về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Ngoài ra, triển khai lập đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; triển khai Luật Đầu tư công; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI; quản lý đấu thầu và đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện xây dựng thể chế, pháp luật; tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.