Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thống nhất hướng tăng phụ cấp cho giáo viên. (Nguồn: Vietnamnet) |
Trao đổi tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập một số việc cụ thể với mong muốn nhận được sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội như tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên; dành quỹ đất cho giáo dục để mở đường cho xã hội hoá trong giáo dục.
Riêng về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi vấn đề này được Bộ GD-ĐT đề nghị ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét phương án cụ thể.
Bộ GD-ĐT đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học 5%. Hiện, phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
“Trong các ủng hộ tại diễn đàn Quốc hội, mong rằng các đại biểu sẽ ủng hộ việc tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, để đảm bảo số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục”, ông Sơn chia sẻ.
Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về bất cập trong thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, ông Sơn cho hay, Bộ GD-ĐT đang gấp rút xây dựng Nghị định 116 sửa đổi, đáp ứng yêu cầu về đào tạo giáo viên và khắc phục những bất cập trong đặt hàng đào tạo.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắc tới hoạt động giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang được Quốc hội triển khai. Qua đó, ông bày tỏ mong muốn báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ nhìn nhận, đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 tới quá trình triển khai. Bởi ngay trong những năm đầu tiên triển khai toàn ngành giáo dục đã phải cố gắng gấp 2-3 để vừa ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, vừa triển khai đổi mới với mục tiêu và kỳ vọng rất lớn.
Bộ trưởng Sơn cũng chia sẻ hàng loạt công việc ngành giáo dục đang và sẽ phải làm như: đánh giá giai đoạn 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023; chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho năm học mới, thẩm định sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29… Qua đó bày tỏ mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chia sẻ với ngành giáo dục.