Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023, thăm chính thức Pháp và Czech từ ngày 5-10/6. (Ảnh: QT) |
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023?
Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn lao về kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội. Hội nghị là dịp để các quốc gia cùng bàn thảo cho mục đích chung cần hướng tới, xác định quyết tâm cùng hóa giải các thách thức, tiến tới sự phát triển tự cường, bền vững và thịnh vượng.
Chủ đề năm nay của Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023 là “Đảm bảo tương lai tự cường: Các giá trị chung và đối tác toàn cầu”.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Pháp) |
Các nội dung trọng tâm của Hội nghị là thảo luận về Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của OECD, nỗ lực bình đẳng giới và các tiến bộ trong việc tiến tới nghị định khung để giải quyết các thách thức về thuế trong bối cảnh nền kinh tế số; thảo luận về các chính sách thương mại hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, trong đó ưu tiên các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư, đa dạng hoá và tự cường hoá chuỗi cung ứng, cũng như các biện pháp, chính sách củng cố thị trường mở, cải thiện tính minh bạch; thảo luận về các ranh giới trong tương lai, các công nghệ đổi mới cho các nền kinh tế phát thải ròng bằng không; thảo luận về tương lai của năng lượng, cách thức đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch, xác định các nút thắt chính sách và các biện pháp xử lý thế tiến thoái lưỡng nan của an ninh năng lượng, tính hợp lý của giá cả và tính bền vững.
Bên cạnh đó, Hội nghị OECD lần này cũng hướng tới tăng cường hợp tác giữa OECD với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hiện nay, OECD đang có Chương trình Đông Nam Á (SEARP) và đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với ASEAN. Hội nghị 2023 lần này là lần đầu tiên OECD mở rộng đối tượng khách mời ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như tăng cường sự tham gia của các nước khách mời tại các phiên thảo luận về chính sách và định hướng chính sách của tổ chức này.
Đây là bước tiến mới của OECD trong quan hệ hợp tác với khu vực này, đồng thời cũng thể hiện cam kết mạnh hơn của OECD với một khu vực kinh tế sôi động.
Trong bối cảnh đó, xin Đại sứ cho biết sự tham gia của Việt Nam cũng như những sáng kiến, thông điệp của ta trong Hội nghị lần này?
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ở cấp Bộ trưởng ở Hội nghị Hội đồng OECD, cũng là lần đầu tiên Việt Nam sẽ có những phát biểu đóng góp cho các vấn đề OECD quan tâm và thúc đẩy.
Trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ có phát biểu tại nhiều phiên của Hội nghị, về thương mại hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, về công nghệ đổi mới phục vụ cho các nền kinh tế phát thải ròng bằng không.
"Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ở cấp Bộ trưởng ở Hội nghị Hội đồng OECD, cũng là lần đầu tiên Việt Nam sẽ có những phát biểu đóng góp cho các vấn đề OECD quan tâm và thúc đẩy". |
Đây những nội dung nằm trong ưu tiên chính sách của Việt Nam, với góc nhìn của một nước đang phát triển, góp phần tạo nên cách tiếp cận đa dạng và thực tế về hai chủ đề đang được quan tâm trên toàn cầu.
Đoàn Việt Nam cũng sẽ tham dự nhiều hoạt động quan trọng khác, nhất là Sự kiện khai mạc Diễn đàn toàn cầu về công nghệ của OECD và Hội thảo về các diễn biến về Chính sách thuế toàn cầu, trong đó có vấn đề triển khai thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ hai trụ cột của Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI).
Bằng các đóng góp đó, Việt Nam thể hiện là một đối tác tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã và đang tiếp tục tham gia đóng góp một cách hiệu quả vào các vấn đề chung với tư cách là một nền kinh tế năng động và có nhiều tầm nhìn chung với các đối tác trên con đường phát triển và hội nhập hiện nay.
Trên nền tảng Chương trình hành động triển khai MOU Việt Nam - OECD giai đoạn 2022 - 2026, Đại sứ có thể đánh giá về những ưu tiên, trọng tâm hợp tác giữa hai bên hiện nay? OECD đã và đang có những khuyến nghị chính sách nào giá trị cho Việt Nam?
Các ưu tiên, trọng tâm hợp tác giữa hai bên hiện nay trên cơ sở Chương trình hành động triển khai MOU hợp tác Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026 đã và đang bám sát các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có tăng cường năng lực xây dựng chính sách phát triển, năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực xây dựng chính sách thuế cũng như hướng tới hoà nhập với các định chế về thuế toàn cầu như Hiệp định về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Công ước đa phương về Hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề thuế; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh…
Trên cơ sở Chương trình hành động triển khai MOU hợp tác này, Việt Nam và OECD đang tích cực trao đổi để xây dựng các đề xuất dự án thiết thực cho hợp tác giữa hai bên, hỗ trợ Việt Nam tiến tới gần hơn các chuẩn mực quốc tế về quản trị công, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững phục vụ cho mục tiêu nền kinh tế phát thải bằng không, đẩy mạnh kinh tế số…
Trong giai đoạn vừa qua, OECD đã tích cực hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong phân tích và đưa ra các khuyến nghị chính sách trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế vĩ mô, quản trị doanh nghiệp nhà nước, vận động đầu tư và tài chính cho năng lượng sạch, chính sách thuế chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận…
Với sự hợp tác chặt chẽ giữa OECD và Bộ Tài chính Việt Nam, Việt Nam đã ký và phê chuẩn Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) và ký kết Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC).
Hai hiệp định này là cơ sở để thúc đẩy hợp tác hành chính thuế giữa Việt Nam và nhiều nước, cũng như việc tham gia sâu rộng, chủ động của Việt Nam vào cơ chế định hình chính sách thuế toàn cầu, trong đó có Thuế tối thiểu toàn cầu.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Paris 2023. (Nguồn: TTXVN) |
Về quan hệ song phương Việt Nam – Pháp, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lần này đối với quan hệ song phương, trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm nhiều dấu mốc quan trọng - 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược?
Chuyến đi của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tới Pháp lần này cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt Nam - Pháp. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao ta tới Pháp kể từ khi hai nước ký Đối tác chiến lược cách đây tròn 10 năm. Quan hệ giữa hai nước qua 5 thập kỷ phát triển cũng như 1 thập kỷ triển khai Đối tác chiến lược đã có những tích tụ quan trọng cả về lượng và chất và đang tạo nên một hình mẫu hợp tác tiêu biểu giữa châu Á và châu Âu.
Chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang ở những điểm giao thoa mạnh mẽ. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hơn hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại khu vực, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập tích cực, chủ động. Những chính sách và tầm nhìn mới của hai nước đang là cơ sở tốt để hai bên thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược song phương.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ với Pháp và châu Âu trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cũng như việc Việc Nam mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các đối tác khu vực trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển và hợp tác đang đặt ra. |
Trong bối cảnh đó và với những kết quả tích cực đạt được, những nội hàm phong phú của mối quan hệ cùng đồng hành, tin cậy, các trao đổi nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là dịp để một lần nữa hai bên nhấn mạnh những nhận thức chung về tầm nhìn của mối quan hệ cũng như quyết tâm thúc đẩy, đưa các kết nối giữa hai nước sâu rộng hơn, chặt chẽ hơn và đáp ứng được yêu cầu đa dạng hiện nay.
Đâu là những nội dung trọng tâm của chuyến thăm cũng như thông điệp Bộ trưởng muốn nhắn gửi về quan hệ hai nước, thưa Đại sứ?
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ với Pháp và châu Âu trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ cũng như việc Việc Nam mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các đối tác khu vực trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển và hợp tác đang đặt ra.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có các cuộc hội đàm, trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và với các Lãnh đạo, nhân vật cấp cao của Nghị viện, cơ quan Phủ Tổng thống Pháp, góp phần tăng cường đối thoại chính trị cấp cao Việt Nam – Pháp.
Hai bên lần này sẽ bàn thảo sâu rộng các định hướng hợp tác đã được xác định trong chuyến thăm chính thức Pháp năm 2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại London tháng 5 vừa qua, chuyến thăm chính thức Pháp năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và những trao đổi giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Thượng viện Pháp khi thăm Việt Nam năm 2022.
Nhân dịp này, hai bên cũng sẽ bàn việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đáp ứng được các thế mạnh và yêu cầu của cả hai bên trong giai đoạn hiện nay, nhất là thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại đại dịch và tăng cường tính tự cường, bổ sung cho nhau giũa hai nền kinh tế, cùng nhau đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hỗ trợ nhau trong các quan hệ Việt Nam – EU và Pháp – ASEAN, phát huy tốt hơn nữa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ngoài ra, hai nước sẽ trao đổi để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đa tầng nấc, từ trung ương đến bộ, ngành, địa phương hai nước, tiếp sau Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp rất thành công do Hà Nội đăng cai tháng 4 vừa qua cũng như các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa hai nước trong năm kỷ niệm 2023 này.
Hai bên cũng trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp, để cùng đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định ở hai khu vực và trên thế giới.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Việc sửa đổi, bổ sung hai dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh là cần thiết trong tình hình hiện nay Chiều ngày 27/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia thảo luận tại tổ 5 ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023, thăm chính thức Pháp và Czech Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023, thăm chính thức Cộng hoà Pháp và ... |
| Tưng bừng các sự kiện giao thoa văn hóa Việt Nam-Pháp Tối 14/4, Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12, Lễ khai mạc Không ... |
| Hội chợ Paris 2023: Lan tỏa hình ảnh Việt Nam giàu văn hóa và sản phẩm truyền thống tại Pháp Danh nghiệp Việt Nam mong muốn mang các sản phẩm truyền thống và văn hóa Việt đến với người dân Pháp. |
| Hội thảo 'Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: tầm nhìn giao thoa Pháp-Việt' Hội thảo thu hút đông đảo người tham gia gồm giới nghiên cứu, phân tích quan hệ quốc tế và chính sách quốc phòng, nhà ... |