📞

Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania thăm Việt Nam: Động lực mới thúc đẩy thực chất quan hệ song phương, 'tìm lời giải' chung cho mục tiêu phát triển

Phương Hà 13:36 | 24/10/2023
Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis có chuyến thăm chính thức Việt Nam (25-26/10), Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Lithuania Nguyễn Hùng chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm và tiềm năng hợp tác Việt Nam-Lithuania.
Đại sứ Nguyễn Hùng (trái) thăm Lithuania và có buổi làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Gabrielius Landsbergis, tháng 2/2022. (Ảnh: NP)

Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đến Việt Nam lần này đối với quan hệ song phương?

Việt Nam và Lithuania thiết lập quan hệ Ngoại giao từ năm 1992 và năm 2022, hai nước đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm dấu mốc quan trọng này. Trong suốt 3 thập niên qua, Chính phủ hai nước luôn coi trọng và dành sự quan tâm cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.

Lithuania là quốc gia thuộc khu vực Baltic có dân số 3 triệu người, nhưng sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 2004, Lithuania đã có nhiều thành công trong quá trình hội nhập, chuyển đổi kinh tế, dịch vụ công, ứng dụng công nghệ và nghiên cứu ứng dụng năng lượng tái tạo. Với đặc điểm dân số và tài nguyên hạn chế, Lithuania đã tận dụng tốt nguồn lực về công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Nhân dân Lithuania luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam và năm 2021, bạn đã ủng hộ ta 168.700 liều vaccine Covid-19 giúp Việt Nam vượt qua đại dịch. Hai bên luôn ủng hộ nhau trên trường quốc tế, nhất là tại diễn đàn Liên hợp quốc (LHQ).

Gần đây nhất, tháng 4/2023, Lithuania đã ủng hộ Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo.

Trong dịp Việt Nam tổ chức các diễn đàn mang tầm quốc tế như Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 - IPU (9/2023) và Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á (10/2023), Lithuania đều đã và sẽ cử đại diện tham dự. Lithuania đánh giá cao các nỗ lực của chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế này tại Hà Nội.

"Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lithuania có ý nghĩa quan trọng, trước hết nhằm thúc đẩy việc trao đổi đoàn các cấp và kiểm điểm, đề xuất hướng cụ thể nhằm củng cố quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực hai bên có thế mạnh như phối hợp trên trường quốc tế, hợp tác nông nghiệp và chuyển giao công nghệ".

Sau thời gian gián đoạn vì đại dịch, chuyến thăm của Ngoại trưởng Lithuania có ý nghĩa quan trọng, trước hết nhằm thúc đẩy việc trao đổi đoàn các cấp và kiểm điểm, đề xuất hướng cụ thể nhằm củng cố quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực hai bên có thế mạnh như phối hợp trên trường quốc tế, hợp tác nông nghiệp và chuyển giao công nghệ. Các công ty công nghệ nổi bật của Lithuania như Teltonika Asia cũng đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác song phương đi vào thực chất và hiệu quả, phù hợp với mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh chung hợp tác Việt Nam-EU?

Hai nước có nhiều tiềm năng trong việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Trước hết có thể kể đến triển vọng tăng cường hợp tác trong giáo dục, vốn đã được xây dựng từ thời Liên Xô (cũ).

Theo Bộ Giáo dục, Khoa học và Thể thao Lithuania, hiện Lithuania có hơn 600 chương trình học được giảng dạy bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu, các cơ sở giáo dục đại học lâu đời, chương trình liên tục đổi mới với giá cả phải chăng cùng cơ hội làm việc trong quá trình học và khả năng ở lại làm việc lâu dài.

Có thể kể tên các cơ sở đào tạo tiêu biểu như Đại học Vilnius - trường lâu đời nhất và danh giá nhất, Đại học Mykolas Romeris về khoa học xã hội, hay Đại học Công nghệ Kaunas, Đại học Khoa học Y tế Lithuania. Việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước có thể giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận một thị trường du học tiềm năng, giá cả tốt và có cơ hội tham gia thị trường việc làm châu Âu.

Về du lịch, Lithuania tập trung vào nền kinh tế số, đưa du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái (Ecotourism) và du lịch nông nghiệp (Agritourism), trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính phủ Lithuania đưa ra nhiều chính sách thu hút du lịch địa phương, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý và quảng bá du lịch.

"Việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước có thể giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận được một thị trường du học tiềm năng, giá cả tốt và có cơ hội tham gia thị trường việc làm châu Âu".

Ngoài ra, hợp tác chuyển giao công nghệ cũng là lĩnh vực triển vọng, khi Chính phủ Lithuania dành quan tâm, đặc biệt chú trọng vào cung cấp dịch vụ công với tốc độ nhanh, chất lượng tốt. Hiện Lithuania xếp thứ 7 về tiêu chuẩn Chính phủ điện tử tại châu Âu 2023.

Theo số liệu mới nhất năm 2022, 79,6% dân số Lithuania trong độ tuổi 18-74 đã sử dụng Cổng thông tin điện tử chính phủ, với hơn 2,5 triệu tài khoản đã được tạo bởi người dùng trên cổng Chính phủ điện tử. Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm này của bạn trong việc xây dựng và quản lý Chính phủ điện tử.

Đại sứ Nguyễn Hùng thăm hỏi bà con người Việt làm việc tại Lithuania, tháng 2/2022. (Ảnh: NP)

Lithuania đang hướng tới mục tiêu trở thành thủ đô công nghệ mới của vùng Baltic, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội bằng cách nào để thúc đẩy hợp tác với Lithuania trong lĩnh vực này, thưa Đại sứ?

Lĩnh vực dịch vụ hiện đóng góp 60,7% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo việc làm cho 2/3 dân số (68%) tại Lithuania. Các công ty công nghệ của Lithuania kiếm được khoảng 99% doanh thu từ nước ngoài, đóng góp quan trọng nhất vào GDP. Chính phủ đề ra một loạt chính sách như ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ tái định cư cho nhân tài ngành công nghệ và đánh thuế thấp đối với các công ty công nghệ.

Lithuania hiện đang xây dựng một khuôn viên công nghệ khổng lồ - lớn nhất châu Âu - tại thủ đô Vilnius, hướng tới trở thành thủ đô công nghệ mới của vùng Baltic, trị giá 100 triệu Euro (109,6 triệu USD), trải rộng 55.000 m2 và thu hút 5.000 nhân viên. Tech Zity quản lý ba cơ sở công nghệ ở Vilnius, bao gồm Tech Park, Tech Loft và Tech Spa, nơi đặt trụ sở của các công ty như Google, Bored Panda và Kilo Health.

Dù có những thành công nhất định, Lithuania mới chỉ thu hút được 222 triệu Euro vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2022, vẫn còn thấp so với các nước Tây Âu. Vì thế, các công ty công nghệ của Lithuania vẫn luôn mong muốn tìm các ý tưởng, sản phẩm mới và thu hút nhân tài nổi trội.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể hợp tác với Lithuania trong các lĩnh vực nghiên cứu bảo mật, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ công nghệ, chính phủ điện tử. Trước mắt, hai bên cần chú trọng trao đổi đoàn, trao đổi chuyên gia nhằm tìm kiếm đối tác, tiếp cận thị trường và nguồn khách hàng châu Âu, tham gia các triển lãm, hội chợ về IT tổ chức tại Lithuania.

Năng lượng tái tạo cũng là lĩnh vực Lithuania rất có thế mạnh, theo Đại sứ, Việt Nam có thể học hỏi và nắm bắt những cơ hội nào để hợp tác trong lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng này?

Lithuania coi trọng việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và đáp ứng yêu cầu đưa phát thải ròng về 0 của EU.

Theo Kế hoạch năng lượng Quốc gia và Kế hoạch hành động Khí hậu của Cộng hòa Lithuania giai đoạn 2021-2030, Lithuania đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong năng lượng tiêu thụ là 45% - một trong những kế hoạch tham vọng nhất cho sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở EU, trong đó, 45% điện và 90% năng lượng sưởi ấm khu vực sẽ từ nguồn năng lượng này.

Tỷ trọng sản xuất điện sinh hoạt ở Lithuania sẽ tăng từ 35% đến 70%, trong khi tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong vận tải sẽ tăng lên 15% và Lithuania sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu đổi mới năng lượng trong khu vực.

Hiện nay, Việt Nam cũng coi trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam đã đề ra Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, theo đó phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, đặt ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Nghị quyết 140 Chính phủ ban hành mới đây về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trên, hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm về hoạch định chính sách, quản lý môi trường, tăng cường trao đổi chuyên gia, tìm hiểu về quá trình nghiên cứu, thực thi chính sách về Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (EU ETS)…

Xin cảm ơn Đại sứ!